Nhắc đến việc ứng xử giữa con người với nhau đang bị lệch lạc, chỉ không vừa mắt chút thôi là có thể “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Do sự ảnh hưởng từ cả ba khía cạnh giáo dục, gia đình, nhà trường, và xã hội.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Trong xã hội hiện nay, người lớn sử dụng bạo lực với nhau có vẻ rất dễ. Bất cứ chỗ đông người nào, hay khi xảy ra mâu thuẫn gì là dễ dàng xảy ra bạo lực. Tức là nếp sống xã hội của chúng ta chưa thật sự văn minh, chưa thực sự ổn định. Trong một gia đình, việc bạo lực giữa chồng với vợ, bạo lực giữa những người trong gia đình với nhau cũng đang ngày càng tăng lên chứ không giảm đi.
Nhắc lại để thấy rằng, xã hội của chúng ta đang biến động. Và tác động của xã hội làm cho bạo lực ngày càng gia tăng. Cho nên muốn giải quyết được ngọn ngành vấn đề về cách ứng xử bằng bạo lực, chúng ta cần có giải pháp đối với xã hội. Theo quan điểm của tôi hiện nay việc kiểm soát của các cơ quan an ninh về các vấn đề bạo lực chưa nhiều. Luật pháp cũng để đến xảy ra thương tích mới xử lý, tôi cho là không đúng.
Tôi cho rằng anh cứ tạo ra một sự bất an trong xã hội là anh phải chịu trách nhiệm, anh phải bị xử lý, vừa phạt hành chính, vừa phải giam giữ… Những biện pháp xử lý đó sẽ tác động đến anh, để anh sợ, anh không thực hiện việc này nữa. Khi xảy ra vụ việc thì giam giữ trong 1, 2 ngày chẳng hạn để bản thân tự suy nghĩ lại chuyện mình làm trước đã, rồi phạt sau.
Tôi nói rộng ra trong xã hội, nhưng thu hẹp lại từng gia đình phải giáo dục con, từng nhà trường phải giáo dục học sinh về hành vi của mình.
Giáo dục trong gia đình hiện nay của chúng ta cũng còn ất yếu. Nhiều gia đình phân tán, yếu tố giáo dục trong gia đình cũng là vấn đề cần hết sức quan tâm. Quan điểm của tôi là cần có một chiến lược quốc gia về tăng cường giáo dục trong gia đình, chứ không phải chỉ nhắc tới giáo dục gia đình như một yếu tố phải phối hợp, thì chưa đúng tầm.
Chúng ta cũng nhìn thấy vấn đề bạo lực học đường nhiều năm nay cứ lai rai, không giải quyết được, mặc dù có không ít hội thảo đưa ra giải pháp. Thực ra từ thời chúng tôi đi học cũng có đánh nhau. Nhưng với học sinh hiện nay, nguy hiểm ở chỗ các em quay clip tung lên mạng, và các em thích thú vì điều đó. Đây được xem là bước phát trển tâm lý không lành mạnh.
Thứ hai, từ quay clip lại thúc đẩy việc này một cách công khai, nhiều hơn, chứ không phải vì công khai như thế mà dừng lại. Điều đó cho thấy mạng xã hội cũng là một nhân tố thúc đẩy các em. Một nơi làm khắp nơi biết, nên luôn luôn tạo ra sự không yên ổn.
Cho nên trong nhà trường cũng cần thay đổi cách giáo dục. Trong chương trình mới, phẩm chất của người học chưa được quan tâm nhiều, nhất là học sinh phải có giá trị và kỹ năng sống để khẳng định bản thân. Khi các em có giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, có giá trị khoan dung thì trước thiếu sót của bạn bè các em có thể bỏ qua, lấy thiếu sót của bạn bè, lấy yêu thương, tôn trọng bản thân, tôn trọng mọi người làm chính, không lấy hành động vũ lực khi nghĩ rằng vũ lực không mang đến được hiệu quả gì. Nếu vi phạm pháp luật thì còn phải chịu trách nhiệm…
Thứ hai, trong giáo dục học sinh cần phải cho các em trải nghiệm bằng thực tiễn. Ví dụ cho các em đi từ thiện nhiều thì lòng trắc ẩn, yêu thương sẽ cao hơn, dễ dàng tha thứ cho bạn bè. Đưa ra các buổi thảo luận để các em nêu ý kiến, trách nhiệm…
Từ nhỏ có ý thức thì khi trưởng thành cũng sẽ biết kiềm chế bản thân, không dễ dàng cho phép mình dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.