Tham gia Hội đồng tư vấn văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ nhiều khóa, TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tự nhận mình là “người Mặt trận”. Ông cũng đã tham dự nhiều khóa Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc trò chuyện của TS Nguyễn Viết Chức với phóng viên Tinh hoa Việt diễn ra ngay khi Đại hội IX MTTQ VN vừa kết thúc.
Các đại biểu dự Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).
PV:Thưa ông, sau Đại hội cảm xúc của ông về Đại hội lần này thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Vai trò và vị trí của Mặt trận được đề cao - đó là cái lớn nhất, cái bao trùm nhất mà tôi cảm nhận được về không khí của Đại hội lần này. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì hai lý do. Thứ nhất là về mặt nhận thức, tất cả hệ thống chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nhận thức rõ vai trò quan trọng của Mặt trận trong lịch sử cũng như trong đời sống hiện nay. Thứ hai, là trong tình hình hiện tại vai trò của Mặt trận mà đã được ghi trong Hiến pháp và trong Luật Mặt trận ấy, đang là sự cần thiết trong chủ trương chiến lược của Đảng là làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, lắng nghe ý kiến của nhân dân, mở rộng dân chủ.
Tinh thần chủ đạo nào ông nhận thấy được thể hiện xuyên suốt tại Đại hội này?
- Kính trọng dân! Tại diễn đàn Đại hội điều này được nhắc đi nhắc lại. Chỉ có kính trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân thì mọi điều mới tốt đẹp được. Bởi vì chúng ta đã quá thấm thía câu nói của Bác Hồ: “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tinh thần trọng dân theo tôi là đặc trưng lớn nhất của kỳ Đại hội này.
Mặt trận đã mời gọi được đầy đủ tất cả các thành phần, các tầng lớp xã hội tham dự Đại hội, cho nên nhấn mạnh đến tinh thần đại đoàn kết cũng là vấn đề chủ đạo của Đại hội. Mặt trận thì thời nào cũng là biểu trưng của đại đoàn kết. Nhưng lần này theo tôi lại đang cần hơn bao giờ hết. Tại sao lại thế? Bởi vì trong một xã hội đang có nhiều sự biến đổi, đất nước phát triển nhưng trong nội tình nhân dân còn nhiều bức xúc, thì chỉ có gắn bó đại đoàn kết mới đi đến thắng lợi. Đặc biệt trong hoàn cảnh của thế giới đang biến đổi không ngừng, phức tạp thì rõ ràng trong một hoàn cảnh như thế Việt Nam cần đoàn kết hơn bao giờ hết. Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, gắn bó với nhau. Đây là nét đáng quan tâm trong Đại hội lần này.
Thưa ông, là người tham gia Hội đồng Tư vấn của Mặt trận, ông đánh giá thế nào về việc triển khai giám sát – phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp trong thời gian qua?
- Giám sát - phản biện xã hội so với thời kỳ trước đã hơn hẳn. Trước hết là về nhận thức. Không khí nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong nhân dân và trong chính các cán bộ Mặt trận đã hiểu vai trò của Mặt trận trong giám sát phản biện. Tôi nghĩ rằng sự chuyển biến trước tiên trong nhận thức là rất quan trọng. Không khí trong xã hội thì đã thấy vai trò giám sát phản biện của Mặt trận có tác dụng thực sự. Tác dụng thì cũng không thể hiểu là một sớm một chiều được. Không thể hôm qua vừa triển khai giám sát thì hôm nay đã hết tham nhũng tiêu cực được. Mà tác dụng rõ ràng là nâng cao dân chủ ở cơ sở, tạo ra nhận thức để nhân dân tham gia vào giám sát, và làm cho các cơ quan công quyền, các cán bộ có chức có quyền hiểu rằng mỗi việc làm của họ đều đang được nhân dân giám sát, đánh giá. Rõ ràng chúng ta thấy trong thời gian qua, những nơi những chỗ, những cán bộ mắc phải sai lầm khuyết điểm đều được nhân dân chỉ ra và đã được Đảng xử lý nghiêm minh.
Trong quá trình triển khai giám sát của Mặt trận các cấp thời gian qua, theo quan sát cá nhân, tôi đặc biệt đánh giá cao Mặt trận Thành phố Hà Nội. Giám sát ở đây đã được làm khá bài bản, quy trình thủ tục trình tự giám sát rất cụ thể. Như vậy là trong hệ thống Mặt trận đã có sự tiến bộ về nhận thức và khi triển khai thì ngày càng quen dần. Bởi vì nói vậy thôi chứ dù vai trò giám sát – phản biện xã hội đã được ghi vào Hiến pháp, ghi vào Luật Mặt trận mà cán bộ Mặt trận chưa quen việc, chưa triển khai hoặc triển khai không hiệu quả thì vai trò cũng vẫn chỉ nằm trên giấy. Rõ ràng chúng ta thấy càng ngày việc triển khai giám sát của Mặt trận các cấp càng nâng cao dần trình độ và bắt đầu quen việc. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới việc giám sát ngày càng nâng lên và có hiệu quả hơn.
Qua gặp gỡ tiếp xúc với cán bộ mặt trận các địa phương, ông nhận thấy tâm tư lớn nhất của họ là gì trong việc triển khai thực hiện vai trò trách nhiệm và khẳng định vị thế Mặt trận?
- Tại Đại hội tôi nghe được nhiều ý kiến đặt vấn đề vậy thì những kết quả giám sát ai thực hiện? Gửi cho ai? Gửi cho ai thì đều biết cả, gửi đúng địa chỉ cả nhưng đúng là những kết quả giám sát - phản biện không phải lúc nào cũng được tiếp thu. Đây là điều các đại biểu dự Đại hội Mặt trận, nhất là những cán bộ Mặt trận cơ sở còn băn khoăn và tâm tư lắm. Có cơ chế giám sát – phản biện nhưng liệu tiếng nói của Mặt trận có được chính quyền các cấp có tiếp thu không và có tiếp thu nghiêm túc không?
Bằng kinh nghiệm và qua quan sát, ông có thể thấy làm thế nào để tháo gỡ “tâm tư” này không?
- Về việc này theo tôi cũng phải có thời gian để thay đổi nhận thức của các cấp ủy chính quyền. Đồng thời Mặt trận không nên bỏ cuộc mà nên thực hiện giám sát - phản biện ngay cả việc thực hiện tiếp thu kết quả giám sát - phản biện. Giám sát - phản biện có kết quả rồi nhưng nếu cơ quan nào, tổ chức nào không chịu trả lời, chưa chịu thực hiện theo đúng quy trình giám sát thì chúng ta giám sát ngay cái việc đó. Mặt trận phải theo đuổi đến nơi đến chốn. Không có việc gì làm một lần là đã có hiệu quả ngay, nhất là những việc liên quan đến tham nhũng, tham ô lãng phí, liên quan đến tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.
Dù còn nhiều khó khăn và kết quả chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân, cá nhân tôi nhìn theo chiều hướng tích cực thì công tác giám sát -phản biện của Mặt trận thời gian qua đã có được những hiệu quả nhất định.
Trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng có chỉ ra những hạn chế, bất cập, cần có giải pháp để khắc phục trong công tác mặt trận. Đó là: “Nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá.” Theo ông, làm thế nào để khắc phục được những hạn chế, bất cập đó?
- Tôi là người trong cuộc của Mặt trận thì tôi hiểu rằng những điều mà Thủ tướng chỉ ra là rất chính xác. Nhiều người làm công tác Mặt trận mà cứ muốn hành chính hóa, cứ muốn được thực thi quyền lực như là cơ quan hành pháp thì không đúng. Công tác Mặt trận chủ yếu là vận động, chủ yếu là đoàn kết, chủ yếu là thuyết phục. Giám sát - phản biện của Mặt trận cũng không có nghĩa là phản đối, không có nghĩa là phản kháng, phải hiểu như thế để kiên trì. Không phải cứ nói hôm trước là hôm sau người ta đã thực hiện. Hoạt động Mặt trận khác với hoạt động của Đảng, của chính quyền, là ở Mặt trận không có mệnh lệnh mà phải kiên trì vận động. Chúng ta cần nhớ lại phương châm của cuộc vận động của Mặt trận Việt Minh để toàn dân hiểu được thế nào là giải phóng dân tộc, thế nào là xóa mù, thế nào là diệt dốt diệt đói thì mới làm lên được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945. Cho đến nay nhìn lại lịch sử, Mặt trận Việt Minh vẫn là hình ảnh mẫu mực của đại đoàn kết dân tộc, là bài học về sức mạnh của đoàn kết.
Đúng là đội ngũ làm công tác Mặt trận có nơi, có lúc, có chỗ chưa nhận thức hết được vai trò, vị trí của mình nên đúng như Thủ tướng nói còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều nơi đã làm rất tốt, như ở Đồng Tháp chẳng hạn, tôi thấy
Mặt trận làm được rất nhiều việc.
TS Nguyễn Viết Chức.
Thưa ông, trong tình hình hiện nay, ông cho rằng trách nhiệm nặng nề nhất của công tác Mặt trận trong thời gian tới là gì?
- Mặt trận càng phát huy được vai trò của mình thì sẽ ít nhất là giảm được phiền hà nhũng nhiễu nhân dân. Tất nhiên là đỡ thôi, chứ chưa khỏi ngay được, vì căn bệnh nhiều khi đã thành mãn tính, phải kiên trì. Đó là điều tôi nghĩ là nhân dân mong mỏi.
Sau Đại hội này Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phải nghiên cứu kỹ mặt được và chưa được của nhiệm kỳ qua, để nhiệm kỳ tới là nhiệm kỳ rất bản lề, vai trò của Mặt trận rất quan trọng. Bởi vì năm 2020 là Đại hội Đảng các cấp, năm 2021 là Đại hội Đảng toàn quốc. Mặt trận phải góp phần cùng với Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận đối với sự nghiệp chung.
Trong tình hình đó, vai trò của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nên được hiểu cụ thể như thế nào?
- Mặt trận cũng phải tham gia vào công tác cán bộ, đây là việc cực kỳ quan trọng. Cụ thể là Mặt trận tham gia giám sát cán bộ đảng viên giúp cho Đảng lựa chọn được chính xác khi làm công tác cán bộ, xây dựng bộ máy cán bộ cho thời kỳ mới từ cơ sở đến cấp Trung ương. Bởi vì không có tổ chức nào rộng rãi như Mặt trận. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là nơi sát với dân nhất, sát với đời sống của từng gia đình, từng con người nhất, có thể nhận xét, nhận định tương đối đầy đủ chính xác về cán bộ và gia đình cán bộ khi họ sinh sống ở khu dân cư. Muốn thế thì Mặt trận phải được cung cấp sớm, kịp thời về từng cá nhân tham gia vào bộ máy của Đảng, chính quyền. Tôi nghĩ rằng vai trò của Mặt trận rất lớn đấy, chúng ta không ngồi chờ mà phải chủ động triển khai việc giám sát cán bộ đảng viên giúp cho Đảng lựa chọn được những người xứng đáng. Đánh giá đúng đắn về cán bộ, đảng viên sẽ xây dựng được đội ngũ đủ đức đủ tài từ cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói về việc chống chạy chức chạy quyền và có cơ chế để những người muốn chạy chức chạy quyền cũng không chạy được. Quán triệt tư tưởng mới là ở chỗ đó. Tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phải là nơi đầu tiên phát hiện ra những biểu hiện thoái hóa, biến chất của cán bộ đảng viên để kịp thời thông tin cho Đảng. Muốn vậy thì mỗi Tổ dân phố, mỗi Ban Công tác, mỗi Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và mặt trận các cấp phải sáng tạo, có cách làm của mình. Những kẻ cơ hội có nhiều cách để leo lên địa vị cao, để tham nhũng tiêu cực, nhưng Mặt trận là tổ chức rộng rãi nhất có thể giúp cho Đảng trong lựa chọn cán bộ. Công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Đảng đã có Nghị quyết về việc nêu gương của cán bộ đảng viên, không phải chỉ có cấp cao mới nêu gương, mà ở đâu cũng cần sự nêu gương, Mặt trận dựa vào những tiêu chí đánh giá như vậy để góp phần cùng với Đảng trong lựa chọn cán bộ để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Thưa ông, vai trò của Mặt trận trong việc hiệp thương bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ngoài việc lựa chọn được những đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân thì cũng có thể được hiểu là một kênh giúp cho Đảng lựa chọn cán bộ?
- Vai trò hiệp thương của Mặt trận lớn lắm. Từ xưa đến nay chúng ta đều thực hiện vai trò hiệp thương của Mặt trận nhưng thời gian tới cần làm mạnh mẽ hơn nữa. Chứ nếu không thì nhiều khi người ta cho rằng chỉ khi nào hiệp thương thì Mặt trận mới quan trọng, hết hiệp thương lại hết quan trọng. Phải làm để thay đổi nhận thức của xã hội. Mặt trận không chỉ có hiệp thương, hiệp thương ra được bộ máy tốt rồi phải tiếp tục đi cùng chính quyền, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chứ không phải hiệp thương xong là xong, bầu cử xong là xong. Mặt trận còn phải tiếp tục việc thực hiện chức trách của cán bộ đã được lựa chọn cho đến hết nhiệm kỳ. Trong thực tiễn chúng ta thấy như nhiệm kỳ vừa rồi có nhiều cán bộ được bầu xong mới bị phát hiện ra khuyết điểm để bị kỷ luật. Như vậy là rõ ràng trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, rồi cả ở khâu hiệp thương chưa làm đến nơi đến chốn. Để lọt những trường hợp như vậy là gây ra phản cảm, gây ra việc mất niềm tin trong xã hội. Chỗ này tôi nghĩ dù bất cứ lý do gì thì Mặt trận phải có tiếng nói riêng của mình trong hiệp thương, có kênh riêng của mình, từ cuộc sống, từ cơ sở tránh việc bầu xong rồi lại phát hiện ra người được bầu không xứng đáng.
Thưa ông, còn vấn đề đoàn kết, tập hợp đối với nhân sĩ, trí thức, nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay. Theo ông, làm thế nào để có thể kêu gọi được sự đóng góp của các nhân sĩ trí thức vào sự nghiệp chung, cùng hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích của quốc gia, dân tộc?
- Vấn đề lắng nghe nhân sĩ trí thức mang tính lịch sử và thời đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại Đại hội cũng nhấn mạnh tới điều đó: “Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Như vậy chúng ta thấy vai trò của Mặt trận là đoàn kết, tập hợp rất rộng rãi, chấp nhận, tôn trọng những điểm khác biệt miễn là không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc. Tôi nghĩ là để làm được việc này chỉ có cách lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe. Lắng nghe những ý kiến tâm huyết của trí thức (kể cả những ý kiến còn có những điểm khác biệt về nhận thức) là vai trò, trách nhiệm của Mặt trận. Có như vậy mới có được sự đoàn kết rộng rãi và tạo ra đồng thuận xã hội.
Ông có nhắc đến thời kỳ Mặt trận Việt Minh như một mẫu mực của đại đoàn kết dân tộc. Vậy ở thời kỳ này thách thức lớn nhất trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc là gì?
- Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của đất nước ta, nhân dân ta. Đại đoàn kết là truyền thống, là bản chất dân tộc ta. Nhưng đúng là ở giai đoạn hiện nay chúng ta gặp những thách thức trong đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Thách thức lớn nhất, khó khăn lớn nhất là bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân. Cán bộ đảng viên hư hỏng để nhân dân mất niềm tin thì làm sao mà đoàn kết nhân dân được. Cái đấy chính là lực cản cản trở sự đồng thuận xã hội.
Đảng đang quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng rất mạnh mẽ, rất kiên quyết. Thực tiễn thời gian qua là việc xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ sai phạm, cán bộ mắc sai lầm khuyết điểm là không có vùng cấm, không có ai đứng ngoài pháp luật. Cho nên Mặt trận cũng phải góp phần vào cùng với Đảng, nhà nước làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, thì mới thu hẹp phân tâm tạo ra được đồng thuận xã hội, mới có đại đoàn kết dân tộc.
Xin cảm ơn ông!