Nhìn nhận về lễ hội những năm gần đây, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng sự thiếu ý thức của một số người dân tham gia lễ hội đang trở thành vấn nạn tiêu cực làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp vốn có.
TS Trần Hữu Sơn.
PV: Thưa ông, những lễ hội lớn vào dịp đầu năm vừa diễn ra nhưng những hiện tượng tiêu cực trong lễ hội vẫn trở thành tâm điểm của dư luận mà năm nào cũng phải nhắc lại. Theo ông đâu là lý do dẫn đến những bất cập kéo dài này?
TS Trần Hữu Sơn: Điều đầu tiên có thể khẳng định để xảy ra tình trạng này là do các cơ quan quản lý cũng chưa thống nhất được quy định. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những giải pháp cụ thể nhưng lại chưa mang tính hiệu quả cao. Hầu hết, những giải pháp đang tồn tại đều không kèm theo những chế tài cụ thể, cấm thế nào thì không có, phạt thế nào cũng chưa cụ thể mà chỉ nói chung chung thôi nên dễ xảy ra các vấn đề nêu trên.
Lấy ví dụ như việc đốt vàng mã thì cần thiết đốt đến đâu? Đốt như thế nào? Nếu sai thì xử lý ra sao thì không rõ. Kể cả chuyện cướp giật cũng vậy, khi bắt gặp cướp giật trong lễ hội thì phải làm sao? Chúng ta cũng chưa có chế tài để xử phạt, không có phê phán mạnh, cho nên người ta cứ hồn nhiên như thế mà làm, do đó tình trạng mất trật tự và lợi dụng mùa lễ hội để thực hiện những hành vi xấu vẫn xảy ra.
Nhiều quan điểm cho rằng dẫn đến những bất cập tại lễ hội là do chưa có sự giáo dục cặn kẽ tới cộng đồng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tinh thần giáo dục cộng đồng hay chế tài quản lý luôn phải thực hiện song song với nhau, trong đó phải đề cao vai trò của quần chúng nhân dân lên trên. Như báo chí đã đưa tin, riêng việc đốt vàng mã mà mãi vẫn chưa có chế tài cụ thể, hay những tiêu cực trong việc quản lý quỹ công đức của các khu di tích cũng làm chưa tốt. Điều này thể hiện nhà nước vẫn còn lúng túng trong vấn đề xây dựng chế tài. Hơn nữa, chúng ta đang đặc biệt coi trọng vai trò của dư luận xã hội, vì dư luận xã hội tác động trực tiếp vào các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, chúng ta nên tận dụng tính tích cực của mạng xã hội để lên án những hành vi xấu, bên cạnh việc định hướng và tuyên truyền cho nhân dân cư xử sao cho văn minh hơn, tôi nghĩ sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện được rất nhiều tình trạng đang tồn tại hiện nay.
Có ý kiến cho rằng nên để lễ hội cho cộng đồng quyết định. Theo ông chúng ta có nên “buông” để tìm ra những hướng mới cho công tác quản lý?
- Theo tôi vấn đề chỉ đúng một nửa. Bởi lễ hội là dành cho người dân, là phong tục, tập quán của từng địa phương. Nhưng dù gì đi nữa thì ban tổ chức của lễ hội phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi các đơn vị quản lý mới thể huy động được lực lượng đảm bảo tốt nhất công tác tổ chức. Nhưng ở đây chúng ta cũng cần phải phân rõ đâu là của cộng đồng làm, đâu là của cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm. Nếu không thì như nhiều nhà khoa học xưa kia có nói “trả lại lễ hội cho dân”, họ nói thế cũng đúng, nhưng chưa thực tiễn, và phải làm rõ thế nào là vai trò cộng đồng, không thể khoán trắng cho cộng đồng được.
Vậy, để lễ hội đi vào nề nếp mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?
- Theo tôi trước hết chúng ta cần phải dự báo xu hướng và dự báo tình hình. Trong dự báo cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp và tiến hành giám sát việc thực thi giải pháp ra sao? Có những công cụ thực thi, trong đó các chế tài như thế nào? Cần phải huy động được toàn bộ giải pháp mang tính chất tổng thể nhất. Vì vậy mà để lễ hội đi vào nề nếp chúng ta cần có những giải pháp. Thứ nhất là các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải xây dựng được những văn bản mang tính quản lý nhà nước, nhất là các thông tư, thậm chí là nghị định, quy chế về vấn đề này, nêu cụ thể từng vấn đề.
Thứ hai là cần phải tuyên truyền mạnh vấn đề này cho cộng đồng,và nên tuyên truyền bằng tiếng nói của các nhà khoa học, tránh dùng tiếng nói phiến diện để nhiều kẻ xấu lợi dụng mê tín dị đoan hoặc tạo sự phản cảm trong lễ hội. Các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán của mình, chính xác và có cơ sở khoa học như thế mới thiết thực.
Thứ ba là cần phải có bộ quy tắc ứng xử cụ thể riêng cho nhân dân khi tham gia vào mùa lễ hội, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đó và phải có biện pháp xử lý kịp thời. Xử lý có thể bằng phương pháp hành chính, phát hiện qua camera… những trường hợp đó chúng ta có thể xử lý ngay. Bên cạnh việc xử lý còn có thể tuyên truyền cho nhân dân ngay tại chỗ sẽ hiệu quả hơn, như thế lần sau những hiện tượng phản cảm trong mùa lễ hội mới không còn chỗ để xuất hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!