Tinh hoa Việt

TS Trần Hữu Sơn: Phải sáng tạo nếu không sẽ thất bại

MAI ANH (thực hiện) 05/08/2024 13:59

Để thúc đẩy các địa phương đẩy mạnh xây dựng và tổ chức các lễ hội hiện đại trở thành sản phẩm du lịch, TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cho rằng: Lễ hội vừa có tính động, vừa có tính tĩnh, có đặc trưng chung nhưng cần sự sáng tạo.

PV: Những festival, lễ hội hiện đại đang góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch, tạo ra dấu ấn cho vùng đất... Ông đánh giá như thế nào về quy mô, chất lượng và hiệu quả thu hút du lịch của các lễ hội này?

ts-tran-huu-son(1).jpg
TS Trần Hữu Sơn.

TS TRẦN HỮU SƠN: Các lễ hội hiện đại có nhiều lễ hội được tổ chức công phu, định kỳ, có dấu ấn tốt, là động lực để phát triển du lịch. Chẳng hạn như Festival Huế đã có hơn 20 năm nay vẫn hấp dẫn vì làm tốt. Đây có thể coi là một sản phẩm du lịch thành công và đang mang lại hiệu quả tích cực cho địa phương.

Có các lễ hội, festival tồn tại được lâu như vậy là bởi đơn vị tổ chức biết khai thác với mục đích vừa giáo dục truyền thống, vừa quảng bá du lịch rất hấp dẫn. Nếu Huế thường gắn với du lịch văn hóa thì Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng khai thác thời điểm. Lễ hội này thường được tổ chức vào mùa hè, đúng cao điểm du lịch, ta lại mời được các nước tham gia thi bắn pháo hoa thì ngoài lượng khách trong nước còn mở rộng đến tệp khách du lịch quốc tế.

Còn hiệu quả mang lại cho du lịch từ các lễ hội này sẽ là rất lớn. Nó mở ra một mùa du lịch cho địa phương. Thu hút du khách quay trở lại trong mỗi dịp lễ hội được tổ chức. Tạo ra sản phẩm du lịch nổi bật làm tăng hiệu quả quảng bá. Tạo ra ngày hội thực sự nổi bật cho địa phương với sự tham gia của người dân và đông đảo du khách.

Vậy khi xây dựng lễ hội hiện đại, theo ông cần chú trọng đến những yếu tố nào để lễ hội trở thành đặc sắc riêng của địa phương, thành điểm nhấn trong phát triển du lịch?

- Muốn tổ chức lễ hội hiện đại hay festival có 2 yếu tố chủ chốt. Thứ nhất là phải bắt nguồn từ bản sắc văn hóa của vùng miền. Một số lễ hội được tổ chức na ná nhau về trang phục, biểu diễn, ca hát, tổ chức sân khấu thì không tạo ra được nét riêng. Thế nhưng lễ hội cũng cần có sự thay đổi. Nếu là lễ hội định kỳ hàng năm thì mỗi năm cần có một chủ đề, một kịch bản từ đạo diễn khác như giới thiệu thêm di sản văn hóa của tỉnh theo cách làm mới, trình diễn độc đáo hơn.

Thứ hai là lễ hội phải có sự tham gia của cộng đồng người dân, chứ lễ hội không phải là một buổi biểu diễn để phục vụ các quan khách. Như Festival Huế được tổ chức một tuần nhưng mỗi ngày lại có 2-3 chương trình hoàn toàn khác nhau nên sẽ tạo sức hấp dẫn. Hoặc Lễ hội Thành Tuyên mặc dù ra đời sau các lễ hội khác nhưng có sự tham gia nhiệt tình của người dân. Bất cứ ai trong tổ dân phố nào cũng muốn góp công trang trí cho mô hình, tham gia rước đèn để mong đạt giải cao nhất. Từ người già, trẻ em cho đến cán bộ hưu trí đều đồng lòng làm đèn rước.

Bên cạnh đó, họ không chỉ muốn tổ chức trong một đêm mà còn muốn tổ chức nhiều đêm, vì vậy họ có những buổi diễn tập của cả khu phố, thành phố, của các huyện khác tham gia. Vì thế đã tạo ra Lễ hội Thành Tuyên rất hay.

Suy đến cùng nếu không có sự chủ động tham gia của cộng đồng dân cư thì lễ hội sẽ thất bại.

Để lễ hội hiện đại đóng góp vào sự phát triển du lịch, theo ông, lễ hội cần phải chuyển biến, thích ứng như thế nào?

- Lễ hội là một sản phẩm du lịch, một dịch vụ tổng hợp nên phải kinh doanh được. Giống như Word Cup được nhiều người tham gia kèm theo đó là các sản phẩm du lịch. Vậy tỉnh tổ chức lễ hội cũng phải bỏ ra kinh phí kha khá. Cho nên khi tổ chức lễ hội cần phải bán được hàng hóa. Ta phải tuân theo quy định marketing và đồng thời quảng bá về lễ hội từ sớm. Lễ hội là sự kiện thu hút khách nước ngoài thì cần thông báo cho các hãng lữ hành quốc tế trước 6 tháng, các đơn vị lữ hành trong nước 3-4 tháng để họ có các thông báo giới thiệu. Cho nên khâu quảng bá phải đi trước và hấp dẫn, có thể thuê công ty quảng bá bài bàn và chuyên nghiệp.

Đặc biệt các sản phẩm trong lễ hội phải độc đáo và phù hợp với thị hiếu của du khách. Du khách cùng với cộng đồng dân cư địa phương phải là động lực của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội phải thay đổi cách làm sản phẩm du lịch, như du lịch đêm, du lịch trên sông, du lịch khám phá bản làng truyền thống, du lịch trải nghiệm... Cần chú ý đến không gian tổ chức để đảm bảo trải nghiệm cho du khách.

Cần nói thêm là trong lễ hội vừa có tính động và tính tĩnh, có đặc trưng chung nhưng cần sự sáng tạo. Mỗi lễ hội đều có khai mạc và bế mạc, đan xen trong đó là nhiều thành tố về sân khấu hóa, liên hoan âm nhạc, trò chơi, diễu hành... Những thành tố đó mỗi năm luôn cần sáng tạo, gắn liền với tính hấp dẫn. Bản thân lễ hội phải sáng tạo nếu không sẽ không thành công. Nhưng cũng có những cái khó sáng tạo như khai mạc và bế mạc thì cần rút gọn thời gian. Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông bằng hình ảnh để giới thiệu không gian các hoạt động trong lễ hội.

Theo ông, các địa phương cần phải làm gì để tiếp tục đẩy mạnh phát triển lễ hội hiện đại nhằm thu hút khách du lịch?

- Muốn thúc đẩy phát triển lễ hội thì địa phương cần chọn thời điểm phù hợp và nên đầu tư cho nghiên cứu đặc trưng văn hóa của tỉnh, để xác định cái gì là riêng, là bản sắc hấp dẫn. Bản sắc đó có phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách hay không...

Phải có sự tham gia của ê kíp vừa là nhà khoa học và các nghệ sĩ để tạo ra các lễ hội. Có thể tận dụng nguồn nghệ sĩ từ địa phương vì họ là những người gắn bó với địa phương nên sẽ hiểu và yêu quê hương mình khi biểu diễn.

Ngoài ra cần quan tâm đến vai trò của người tổng đạo diễn, phải thật sự tận tâm với xây dựng chương trình lễ hội. Không để tổ chức lễ hội tốn kinh phí mà không thu được lợi nhuận. Hãy làm một lễ hội thực chất để xây dựng sản phẩm lễ hội quảng bá du lịch cho địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Trần Hữu Sơn: Phải sáng tạo nếu không sẽ thất bại