Nếu như ở Năm Căn (Cà Mau), bà con nông dân sáng tạo ra mô hình nuôi chung tôm - cua - sò huyết, từ đó có thu nhập cao, thoát nghèo và làm giàu; Thì ở Bạc Liêu, không ít bà con cũng thoát nghèo từ mô hình “cây tiêu ôm cây tràm”.
Vườn hồ tiêu.
Đây được xem là mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn mặn ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).
Tới xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, người ta dễ dàng chứng kiến sự thành công của mô hình này. Trước kia, trong vùng bà con chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm, còn lúa thì làm được một vụ vào mùa mưa nhưng hiệu quả thấp. Do với những cây trồng quá quen thuộc không đem lại giá trị kinh tế cao nên một số người cũng đã từng thử trồng vú sữa, mãng cầu, bưởi… nhưng hiệu quả không cao, nên phải đốn bỏ để trồng tràm.
Có người bi quan cho rằng, có lẽ chỉ còn cách trồng tràm thu nhập “tàm tạm”, chứ không làm cách gì để giàu lên được.
Cách đây chừng gần 10 năm, một người trong xã nghe nói bên bờ sông Cái Lớn (xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) người dân dùng cây tràm để trồng tiêu (thay vì dùng nọc), cho thu nhập tốt. Thế là ông liền tìm đến tận nơi để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và xin giống về trồng thử.
Xã Ninh Hòa vốn “sẵn” tràm, nên việc dùng chính nó thay “nọc” sẽ không tốn kém. Lúc đầu, người ta chiết dây tiêu để trồng, cho bám vào cây tràm và vẫn gọi cây tràm đó là “nọc tiêu”. Đáng chú ý, một “nọc tiêu” kiểu này có thể thu hoạch trên 20 năm. Và khi đó người trồng còn có thêm nguồn thu là cây tràm.
Người trồng tiêu “ôm” tràm ở Ninh Hòa cho biết, để trồng tiêu bên cây tràm, phải chọn cây tràm hơn một năm tuổi. Sau đó đào xung quanh rễ tràm từ 5 - 7 tấc (tiếp giáp với mặt nước), dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn rồi mới đặt dây tiêu, mật độ từ 1,5 - 2m một nọc tiêu, chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, cây tràm và cây tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng, bảo đảm quá trình sinh trưởng.
Thu nhập từ mô hình này khá tốt. Tuy nhiên, hiện nó vẫn chưa thực sự phát triển. Trước hết, chính là những vướng mắc vấn đề kỹ thuật cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, bởi trước đó bà con không có kinh nghiệm hoặc rất ít kinh nghiệm. Vấn đề quan trọng vẫn phải là kỹ thuật và vốn. Nhưng ở đây, kỹ thuật là yếu tố đầu tiên.
Nói về thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, giới chuyên gia nông nghiệp luôn nhấn mạnh: cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào, lại không hề dễ. Bà con có thể học hỏi nhau, truyền cho nhau kinh nghiệm riêng của mình nhưng như thế là không đủ. Vật nuôi mới, cây trồng mới để bà con nông dân chấp nhận không dễ dàng, vì thu nhập của họ hầu hết trông cậy vào nguồn này. Nếu rủi ro, vật nuôi không tốt, cây trồng không sinh trưởng, thu nhập không có, làm ăn thất bát cũng có nghĩa là cụt vốn, đời sống khó khăn. Chính vì vậy rất cần sự “chung lưng đấu cật” của chính quyền địa phương, cũng như tâm huyết của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Chỉ có như vậy, người nông dân mới có chỗ dựa, mới vững tin vay vốn, bỏ vốn để đầu tư.