Nhìn từ số liệu tuyển sinh đại học hai năm 2022, 2023 cho thấy, mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học.
Những con số không mới
Theo thống kê từ Bộ GDĐT, kết thúc thời gian đăng ký nhập học đợt 1, có 612.283 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống, chiếm 92,7% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển và 61,1% so với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, có 494.488 thí sinh xác nhận nhập học, chiếm 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1; đạt 74,9% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển và 49,3% so với tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Số liệu trên có thể thấy, gần như thí sinh cứ đăng ký xét tuyển là trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh trúng tuyển không tương đương với số thí sinh nhập học bởi theo số liệu của Bộ GDĐT, có 117.795 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1.
Số lượng thí sinh từ chối nhập học năm 2023 so với năm 2022 không có gì bất thường.
Theo báo cáo về công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm 2022 là 521.263 đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo, chiếm 58,67% có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Nhìn từ số liệu tuyển sinh của hai năm 2022, 2023 cho thấy, mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1.
Nguyên nhân do đâu?
Các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thí sinh từ chối nhập học. Trong đó, có nhiều thí sinh không muốn nhập học vì không đỗ nguyện vọng yêu thích nhất.
Qua mỗi mùa thi cử, không thiếu những câu chuyện về nhiều bạn trẻ thất vọng vì học không đúng ngành, đúng nghề. Kết thúc thời gian đăng ký nhập học đợt 1, trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều thí sinh chia sẻ thất vọng, không muốn nhập học, thậm chí có em đã xác nhận nhập học rồi nhưng lại muốn thay đổi mục tiêu.
“Làm thế nào để rút học bạ, học phí ạ? Em không muốn học đại học”, câu hỏi của một thí sinh đăng tải trên một diễn đàn về giáo dục thu hút nhiều lượt thích và bình luận. Trong đó có không ít thí sinh khác chia sẻ, các em cũng có tâm lý tương tự.
Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh lý do trên, một trong số nguyên nhân quan trọng nữa khiến thí sinh dù đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học là do yếu tố tài chính.
Đỗ đại học ngành Công nghệ thông tin là mơ ước của Hoàng Ngọc Bích (quê Bắc Kạn) tuy nhiên sau khi hoàn tất các thủ tục nhập học và đóng phí tạm thu đầu năm học hơn 6 triệu đồng, Bích rất lo lắng.
Theo Bích, học phí một năm học của em sẽ rơi vào khoảng hơn 45 triệu/năm, tương đương gần 5 triệu đồng/tháng. So với kinh tế của gia đình với 4 năm theo học, Bích chia sẻ: “Em muốn rút hồ sơ để xét tuyển bổ sung vào ngành học khác có mức học phí thấp hơn”.
Số thí sinh rơi vào tình cảnh tương tự như Bích không phải hiếm. Cũng trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều thí sinh than phiền về học phí, trong đó, có em cho hay trường công bố học phí vô lý, tăng 30% so với tín chỉ năm trước.
Thí sinh này viết: “Em đang hoài nghi về quyết định học tại trường. Gia đình em cũng không khá giả mà học phí như vậy là quá sức với ba mẹ em. Em nên từ bỏ và thi lại vào trường khác không ạ?”.
Về vấn đề này, theo TS. Lê Viết Khuyến – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phần đông sinh viên đi học hiện nay tự phải lo kinh phí từ nguồn gia đình, thiếu sự hỗ trợ lâu dài từ phía Nhà nước. Vì vậy, cần mở rộng chính sách tín dụng đối sinh viên để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập. Đây là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay.
Về phía các trường, để có thêm nguồn lực, theo ông Khuyến cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình, đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khi học phí tăng.
Thí sinh đừng bỏ lỡ cơ hội xét tuyển bổ sung
Hiện nay, các trường đại học trên cả nước đang tuyển sinh bổ sung với nhiều chỉ tiêu, trong đó có cả những trường top trên. Thời gian tuyển sinh các đợt bổ sung theo quy định đến tháng 12/2023. Bộ GDĐT yêu cầu, các trường phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước ngày 31/12.
Với thí sinh không trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nguyện vọng nhưng chưa đúng mong muốn, các em có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung nếu đủ điều kiện, theo thông báo trên trang tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Để không bỏ lỡ cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung, các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin như điều kiện xét bổ sung, thời gian các ngành và các cơ sở xét bổ sung, so sánh điểm trúng tuyển đó của đợt 1 với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh dự định nộp vào trường nào, các em nên đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.
Một lưu ý quan trọng nữa khi xét tuyển bổ sung là thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.