Trở ngại lớn nhất của tự chủ là tài chínhTừ tổng kết năm 2017, đến nay Bộ Giáo dục-Đào tạo chưa có thêm một tổng kết nào về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ đại học. Mới đây nhất, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị về việc này. Dư luận băn khoăn, học phí đại học tăng, chất lượng học tập có tăng?
Đánh giá về tự chủ còn sơ sài
Trong công văn phúc đáp kiến nghị của Hiệp hội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa rồi, Bộ GDĐT cho biết qua 3 năm triển khai Nghị quyết 77, năm 2017, Bộ GDĐT đã khảo sát thực tế, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Kết quả cho thấy Nghị quyết 77 đã tạo điều kiện cho các trường công lập khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư thì được thực hiện tự chủ về tất cả các phương diện: Đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; chính sách học bổng, học phí đối với sinh viên đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm.
Ngoài những kết quả bước đầu đạt được trong việc tự chủ ĐH, Bộ GDĐT thừa nhận để tự chủ ĐH đi vào thực chất, có thể hội nhập quốc tế thì còn nhiều việc phải làm.
Trên cơ sở kết quả tổng kết thí điểm thực hiện tự chủ, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (Luật GDĐH sửa đổi); tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019 ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (Nghị định 99), trong đó quy định rõ về tự chủ trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính tài sản... và đang được áp dụng triển khai thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.
Trên cơ sở quy định của Luật giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định 99, Bộ GDĐT đã và đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH như các thông tư ban hành quy chế tuyển sinh các trình độ trong giáo dục ĐH, quy chế đào tạo các trình độ trong giáo dục ĐH, chuẩn chương trình đào tạo...
Tuy nhiên, theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, đến thời điểm này những tổng kết về thí điểm tự chủ Bộ GDĐT có từ năm 2017 là sơ sài. Bởi khi đó các trường mới làm hình thức và những vấp váp chưa được thể hiện lắm, chưa được bộc lộ rõ. Đến nay có nhiều vấn đề. Với mong muốn chủ trương này thuận lợi đi vào cuộc sống nên Hiệp hội mong những vấn đề này sớm được bàn bạc, giải quyết để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
“Điều 34 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi quy định hội đồng trường là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan. Đối với các trường công, chủ sở hữu là toàn dân. Như vậy, hội đồng trường được đặt lên vị trí cấp cao và không còn tổ chức nào cao hơn hội đồng trường trong nhà trường. Nghĩa là, nếu thực hiện theo Điều 34 thì không thấy vai trò của cơ quan chủ quan là cấp trên của trường mà chỉ đóng vai trò tham gia vào hội đồng trường. Theo tinh thần như thế là xóa bỏ cơ quan chủ quản, mô hình trường ĐH tự chủ là như thế. Song trên thực tế, các văn bản pháp lý nhà nước của chúng ta hiện nay thì hoạt động của nhà trường phải có chỉ đạo trực tiếp của cơ quan nhà nước. Phần lớn các văn bản pháp luật hiện nay vẫn quy định cho các trường không phải là tự chủ. Từ sự vênh nhau nay nên dẫn đến những khó khăn cho các trường tiên phong tự chủ nên cần có tổng kết để điều chỉnh hệ thống các văn bản sao cho đồng bộ thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống”- đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nói.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết bộ đã có kế hoạch phối hợp với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề: “Tự chủ trong giáo dục ĐH -Từ chính sách đến thực tiễn”, dự kiến tổ chức trong tháng 11-2020. Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện và đưa ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ.
Nút thắt học phí
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của mùa tuyển sinh ĐH 2020 chính là việc các trường ĐH công lập tăng học phí. Đề án tuyển sinh năm 2020 được các trường ĐH công bố công khai khiến nhiều người bất ngờ khi học phí của các trường đào tạo y dược thực hiện thu theo cơ chế tự chủ xác định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi tăng gấp 2, thậm chí gấp 5 lần so với những năm trước.
Đơn cử, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh thu học phí ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng-Hàm-Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức học phí cũ, cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%.
Câu chuyện nhìn rõ là khi nhà nước cắt bầu sữa ngân sách, nhà trường thực hiện tự chủ ĐH, Bộ Y tế không còn hỗ trợ, nên trường bắt buộc phải tính toán phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích lũy để đầu tư.
Tương tự, học phí nhóm ngành Y khoa ở nhiều trường ĐH khác cũng ở mức khá cao. Các trường đào tạo ngành kinh tế, kỹ thuật, luật, sau thời gian thí điểm tự chủ cũng rục rịch tăng học phí, như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh,...
Theo phân tích của các chuyên gia, việc tăng học phí so với trước khi thực hiện tự chủ của các trường là nằm trong lộ trình. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này, trường ĐH phải công khai và minh bạch được nguồn thu, chi phí đào tạo để xã hội giám sát, tránh việc lợi dụng tự chủ để đẩy khó về phía sinh viên và gia đình.
Tuy nhiên, tăng vào thời điểm nào và tăng bao nhiêu lại là một câu chuyện khác. Trong một hội thảo về tự chủ ĐH vừa diễn ra, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Nhưng hiện nay, nhiều người lo lắng học phí tăng, chất lượng học tập có tăng? Thậm chí, tài chính đặt lên trước chất lượng và học thuật…
Về vấn đề này, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng không thể đòi hỏi chất lượng cao nhưng đầu tư lại quá thấp. Biết là ngân sách nhà nước dành cho giáo dục khó tăng lên được, nhưng với chi phí như hiện nay, giáo dục ĐH không thể vươn cao.
Chính vì thế, khi thực hiện tự chủ, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã nêu rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cũng cần cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học ĐH của người học... Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Xung quanh vấn đề tự chủ ĐH hiện nay, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đánh giá những vấn đề Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang gặp phải về tự chủ ĐH là “không bình thường”. Hội quyết tâm sẽ bảo vệ quyền lợi của hội viên. GS.TS Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh: Hiệp hội đề nghị cần có một tổng kết về việc thí điểm tự chủ ĐH, bàn một cách thẳng thắn, không tránh né mọi vấn đề.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ ĐH. Văn phòng Chính phủ đã chuyển cho Bộ GDĐT trả lời về vấn đề này.