Mới đây tại Hội nghị Phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà Nội, vấn đề tự chủ ĐH đã được lưu tâm tới.
Ảnh minh họa.
Theo đó, hiện Chính phủ đang soạn một Nghị định về cơ chế của các trường ĐH, CĐ phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ. Dẫu thế, xã hội và người học vẫn đang còn nhiều băn khoăn về cơ chế tự chủ hiện nay. Rằng có phải tự chủ luôn đi kèm với tăng học phí hay không?
Dự kiến nhiều trường tăng học phí
Năm học 2017-2018 sắp tới, nhiều trường ĐH công lập sẽ tăng học phí do được tự chủ tài chính. Dự kiến, mức học phí tăng cao nhất thuộc về Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là năm đầu tiên trường này được tuyển sinh toàn quốc thay vì chỉ tuyển hộ khẩu TP HCM như các năm trước, nên sinh viên ngoại tỉnh sẽ không được TP HCM cấp bù ngân sách. Việc tăng học phí của nhà trường dự kiến sẽ thực hiện 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 tính từ tháng 9 đến hết tháng 12/2017, học phí sẽ có sự phân biệt giữa sinh viên (SV) có hộ khẩu TP HCM với các địa phương khác.
Cụ thể, SV có hộ khẩu tại TP HCM sẽ đóng học phí theo mức dành cho trường ĐH chưa tự chủ tài chính toàn phần là 1.070.000 đồng/SV/tháng (tính trung bình 10,7 triệu đồng/năm học 10 tháng). SV các địa phương khác theo học tại trường dự kiến mức thu cao hơn là 2,2 triệu đồng/tháng (khoảng 22 triệu đồng/năm 10 tháng).
Học phí dự kiến ở giai đoạn 2 (từ tháng 1/2018 trở đi) sẽ tăng mạnh và chỉ có một mức chung cho SV cả nước- khi được UBND TP HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm trường tự chủ tài chính toàn phần.
Trong đó mức học phí cao nhất là 4 ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược sĩ ĐH, cử nhân khúc xạ với 4,4 triệu đồng/tháng. Ngành cử nhân xét nghiệm y học thu 3,6 triệu đồng/tháng, cử nhân y tế công cộng 2,5 triệu đồng/tháng. Các ngành cử nhân điều dưỡng (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học), cử nhân kỹ thuật y học thu 3 triệu đồng/tháng. Nếu mức học phí mới được áp dụng, năm 2018 mỗi SV theo học tại trường sẽ phải đóng từ 25 - 44 triệu đồng/năm học. So với mức học phí đang được TP HCM cấp bù kinh phí đào tạo hiện nay (khoảng 9 triệu đồng/năm), mức này tăng lên tới 2,7 đến 4,8 lần tùy ngành.
Cũng theo qui định của Chính phủ, mức thu học phí bình quân tối đa của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017 - 2018 là 18 triệu đồng/sinh viên. Bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2019 - 2020 là 20,4 triệu đồng/sinh viên/năm; năm học 2020 - 2021 là 21,6 triệu đồng/sinh viên…
Hiểu đúng về tự chủ ĐH
Trước đó, từ tháng 10/2016, ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong 14 trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thực hiện tự chủ, chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính... Lý giải về băn khoăn, lo lắng của người học và xã hội rằng khi quyền tự được giao cho các cơ sở giáo dục có đồng nghĩa với việc tăng học phí hay không?
PGS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã khẳng định: Tự chủ ĐH chính là trao nhiều quyền quyết định cho cơ sở đào tạo đại học, không chỉ tăng học phí. Theo đó, từ trước đến nay, các trường ĐH công lập chưa tự chủ được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên. Nghĩa là, người học chỉ phải đóng một phần kinh phí trong chi phí đào tạo. Nếu được tự chủ thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt.
Đơn cử như tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, triển khai theo qui định của Chính phủ, có 2 đối tượng SV với mức đóng học phí khác nhau: Trong năm học 2016-2017, đối với các sinh viên nhập học trước thời điểm tháng 10/2016 (K61 trở về trước), mức trần học phí là 9,5 triệu đồng/năm thì đến năm học 2017 – 2018, mức trần học phí sẽ là 11,3 triệu đồng/năm. Với các SV nhập học năm học 2017 - 2018 trở đi, ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện cơ chế thu và quản lý học phí với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH chính qui không vượt quá 16 triệu đồng/năm.
Còn theo phân tích của PGS.TS Huỳnh Thành Đạt- Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM: Tự chủ ĐH được coi là điều kiện tiên quyết để các trường ĐH thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của mình. Tự chủ ĐH được định nghĩa như quyền lực và sức mạnh của trường ĐH để quản trị và điều hành các hoạt động mà không bị tác động bởi các yếu tố khác. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng tự chủ ĐH cần được giao một cách đồng bộ với các hoạt động của cơ sở giáo dục: tự chủ trong học thuật, tài chính, nhân sự và quản trị ĐH thông qua các cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho hoạt động tự chủ của nhà trường được phát huy cao nhất, đúng bản chất của cơ sở giáo dục ĐH.
Hiện Bộ GD&ĐT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH 2012 trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về giáo dục ĐH trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng và qui định cụ thể hơn về quyền tự chủ ĐH, mở rộng tự chủ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Bộ cũng dự kiến sửa đổi, bổ sung qui định chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH; qui định nguồn tài chính của cơ sở giáo dục, lệ phí thi, tuyển sinh…