GS .TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc phụ huynh ở TP HCM tự dạy học cho con ở nhà là không phù hợp với Luật Giáo dục...
Hai anh em Đặng Nhật Anh (trái) và Đặng Thái Anh cùng học tiếng Anh tại nhà. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Mấy ngày nay, dư luận xã hội bày tỏ sự quan tâm đến vụ việc gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh ở quận Tân Bình, TP HCM đã quyết định cho cả hai cậu con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) ở nhà tự học từ năm 2014 sau khi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường.
Ở nhiều nước phương Tây và các nước có nền giáo dục phát triển, việc phụ huynh để con học ở nhà khá phổ biến nhưng liệu mô hình này có phù hợp với Việt Nam và có nên nhân rộng không?
Phụ huynh cho con học ở nhà là không phù hợp với Luật
Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu quan điểm: Theo Điều 18 của Luật Phổ cập giáo dục Tiểu học và theo quy định tại khoản 3, điều 11 của Luật Giáo dục, việc phụ huynh không cho con đến trường học là không phù hợp với luật.
Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới có chấp nhận việc cho học sinh được học tập ở nhà, không phải đến trường. Kèm theo sự chấp thuận này là phụ huynh học sinh phải đăng ký với cơ quan giáo dục địa phương là giảng dạy con học tập ở nhà.
Ngoài ra, cơ quan giáo dục còn thường xuyên gửi tài liệu, cử người đến hướng dẫn và kiểm tra việc giảng dạy của phụ huynh. Về phía học sinh cũng phải tham dự các kỳ kiểm tra đánh giá của nhà trường để biết được phụ huynh giảng dạy con có đúng hướng hay không.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trường hợp phụ huynh ở TP HCM cho con nghỉ học phổ thông để học tập ở nhà chắc hẳn là cũng có điều kiện để hướng dẫn cho con học. Tuy nhiên, phụ huynh này cần thực hiện đúng Luật Giáo dục.
Bởi vì học sinh không chỉ học mỗi kiến thức mà khi đến trường, các em còn được sinh hoạt đoàn, đội, nhóm, lớp. Đây là những yếu tố rất quan trọng để xây dựng năng lực cần thiết cho con người, cho xã hội. Đơn cử như khi đến trường mới có điều kiện thuận lợi để phát triển tình cảm bạn bè; phát triển năng lực hợp tác với người khác vì trong xã hội hiện đại nếu không có sự hợp tác thì công dân đó rất khó phát triển. Vì vậy, việc giáo dục ở nhà trường có những thuận lợi và có thể thực hiện được những năng lực trên.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, ở Việt Nam, điều kiện để phụ huynh để con học ở nhà rất khó đảm bảo và cách thức này chưa phải là nhu cầu bức thiết của xã hội. Vì hiện nay, nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn mong muốn các trường có đầy đủ cơ sở vật chất sao cho học sinh có thể gửi con 2 học buổi/ngày để họ yên tâm đi làm.
Con học ở trường sẽ được giao tiếp và sống trong môi trường giáo dục
Là nhà quản lý và là giáo viên nhưng chỉ bày tỏ quan điểm trên góc độ là một phụ huynh đang có con học cấp THCS, cô Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn coi trọng việc cho con được đến trường học. Bởi theo cô Quỳnh, môi trường học ở nhà và ở trường đều có sự khác biệt. Học sinh học ở trường sẽ được hòa đồng, giao tiếp với bạn bè và nhiều người khác.
Phụ huynh Vũ Thị Hậu, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đồng ý với việc nên cho con đến trường học vì để con có sự hòa nhập với học sinh khác và được sống trong môi trường giáo dục.
Việc phụ huynh để con học ở nhà là tùy thuộc và quan điểm và điều kiện cụ thể của từng người. Nếu để con học ở nhà thì có thể bố mẹ sẽ không phải mất thời gian đưa đón nhưng nếu như vậy thì học sinh đó có thể bị thu hẹp về giao tiếp.
Phụ huynh giỏi Toán chưa chắc đã truyền đạt tốt như giáo viên
Một phụ huynh ở phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Thực tế là hiện nay, nhiều phụ huynh đều định hướng cho con phải có ý thức tự giác trong học tập. Tuy nhiên, nếu việc học tập có sự hướng dẫn của các thầy cô giáo ở trên lớp sẽ tốt hơn là phụ huynh dạy con.
“Có thể tôi học rất tốt về môn Toán, giải được nhiều bài khó nhưng chưa chắc tôi sẽ dạy tốt môn Toán và để con hiểu bài hơn là giáo viên. Bởi vì khả năng truyền đạt của tôi có thể khiến các cháu khó hiểu hơn là phương pháp giảng bài của giáo viên”- phụ huynh này nói.
Việc cho con học ở nhà có thể phổ biến ở nhiều nước phương Tây và các nước có nền giáo dục phát triển nhưng còn ở Việt Nam thì chưa phổ biến. Tuy nhiên, kể cả khi có điều kiện về kinh tế, tôi vẫn cho con đến trường vì như vậy là đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Việc anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh ở quận Tân Bình, TP HCM quyết định cho con học ở nhà là có thể họ chưa hài lòng về chất lượng giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc thay đổi nền giáo dục là điều rất khó khăn và cần phải có quá trình. Ngành Giáo dục cần tiếp thu ý kiến của nhiều cơ quan, tầng lớp nhân dân để thay đổi.
Không phải ai cũng có trình độ và thời gian
Phụ huynh Kiều Hoàng Hà, ở phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang có con đang học lớp 6, trường THCS Trưng Vương nêu quan điểm: Việc phụ huynh ở TP HCM quyết định cho con học ở nhà là vì họ không tin tưởng vào hệ thống giáo dục công lập. Nếu như họ có điều kiện kinh tế, trình độ, thời gian giảng dạy, chăm sóc con ở nhà thì tôi cho rằng họ có quyền lựa chọn hình thức học phù hợp cho con. Các cháu sẽ học kiến thức là chính chứ không nhất thiết là phải di chuyển đến đâu.
Tuy nhiên, thực tế là nếu học sinh không học ở trường thì có thể hạn chế trong giao tiếp, được hòa đồng với bạn bè và tiếp xúc với môi trường sư phạm.
Việc phụ huynh có thể cho con học ở nhà tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, quan điểm của mỗi người, có gia đình thì thực hiện được nhưng cũng có phụ huynh không thể làm được. Đơn cử như không phải phụ huynh nào cũng có thể giỏi các môn học và rất bận rộn với công việc thì làm sao có thể cho con ở nhà giảng dạy, chăm sóc các cháu.