Tư duy tranh luận cần được dạy trong nhà trường

CẨM ANH (ghi) 01/11/2023 11:11

Thực chất, “mạng xã hội” (social network) là một khái niệm xã hội học đã được đề xuất hàng trăm năm, và nó mang nghĩa rất chung. “Mạng xã hội” của một con người là tất cả các kết nối xã hội của anh ta.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng.

Chúng ta thường quen gọi vắn tắt Facebook là mạng xã hội, nhưng thực chất nó chỉ là một “nền tảng mạng xã hội” (social network platform).

Có nhiều thứ có thể làm nền tảng cho mạng xã hội của một người lắm: gia đình, cơ quan, quán cà phê, hay Facebook. Các đặc tính tăng cường kết nối, rồi đưa chuyện, kiếm danh, tỏ ra thạo tin hay là fake news (tin giả) đều có thể xuất hiện ở một quán nước đầu đình thế kỷ 17, bởi vì quán nước ấy cũng là một nền tảng mạng xã hội.

Chúng ta phải quay lại một thực tế phũ phàng, mạng xã hội vẫn được chúng ta mô tả như là một khách thể, thực ra là chủ thể.

Trong nắng đẹp San Francisco, nó được thiết kế bởi những kỹ sư công nghệ, khoa học gia hàng đầu thế giới, nhận lương cả triệu USD một năm với mục tiêu cụ thể và duy nhất: gây nghiện. Như tôi đã nói ở trên, con người thích tỏ ra thạo tin từ thời họ ngồi quán nước đầu đình cơ. Nhưng tập đoàn Facebook tạo ra những thuật toán nâng tầm cái tâm lý ấy lên: cơ chế tính điểm (likes); cơ chế tương tác (shares); các công cụ để ngay cả việc anh chị đơm đặt nó cũng có tính thẩm mỹ cao… nhiều lắm, tôi không đủ khả năng kể hết, vì có những thuật toán mà người ngoài không thể nào biết được, toàn các bộ não hàng đầu Thung lũng Sillicon họ nghĩ.

Chỉ một phát ngôn của một người đẹp hay một cuốn sách, một bộ phim mới ra, cũng có thể bùng nổ một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Chuyện khác nhau về quan điểm sống, quan điểm học thuật, dẫn đến tranh luận là hết sức bình thường. Chuyện bày tỏ chính kiến khác nhau cũng là bình thường. Tranh luận còn thúc đẩy sự phát triển, nhờ tìm ra những kiến giải mới, tiệm cận tới chân lý gần hơn thông qua tranh luận. Nhưng đó là tranh luận có văn minh, văn hóa. Tranh luận như chúng ta đang thể hiện trên mạng xã hội vừa qua chỉ đem lại tổn thương, khi thay vì tranh luận, người ta “bỏ bóng đá người”, lao vào công kích cá nhân.

Chơi Facebook bây giờ là vui chơi có thưởng. Một số người được thưởng cả tiền, nếu họ dùng được danh tiếng ra làm quảng cáo, bán hàng. Phần lớn khác thì sẽ được hưởng hormone gây hưng phấn. Nó được thiết kế như thế. Tôi có lúc đã phải nghỉ Facebook một phần cũng vì tôi thấy mình ngồi đếm likes khiếp quá, cứ viết xong dòng trạng thái là ngồi nhìn từng cái likes nhích lên, như nghiện. Não nó tiết hormone gây hưng phấn thật.

Việc xây dựng khung pháp lý, và cả thực thi nó trên môi trường mạng ở Việt Nam vẫn còn sơ khai. Người ta vẫn thóa mạ, hạ nhục và đơm đặt đủ điều mà vẫn không sao.

Cơ thể của chúng ta thiếu dinh dưỡng, nếu nhìn vào cách mà nền giáo dục cung cấp kiến thức xã hội cho học sinh. Theo tôi, văn hóa tranh luận của chúng ta thiếu vắng do không được giáo dục từ bé. Tư duy tranh luận và phản biện cần được dạy trong nhà trường, sau này lớn lên các em mới trở thành người biết tranh luận và phản biện. Cái này trong chương trình giáo dục nước ta đang rất thiếu.

Tôi có lúc đã phải rời khỏi Facebook chính là để tránh áp lực phải khuyên người ta cái gì đó. Chứ cứ ngồi đấy là lại mang cảm giác là mình nên phát biểu gì đó đi, dù không biết phát biểu gì, đáng sợ lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy tranh luận cần được dạy trong nhà trường