Làm sao phát huy nguồn lực từ trí thức, doanh nhân kiều bào để phát triển đất nước là câu hỏi không mới, nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Không ít ý kiến cho rằng, thật lãng phí khi để chất xám của người Việt lưu lạc nơi xứ người, cần tập hợp để dựng xây đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng bà con kiều bào dịp Xuân quê hương 2014.
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cho biết, số lượng trí thức người Việt tên tuổi ở nước ngoài là rất lớn. Chẳng hạn, ở Pháp có khoảng 40.000 trí thức, trong đó có khoảng 40 người có học hàm cao và giữ vị trí tương đối quan trọng trong các lĩnh vực hóa sinh, vật lý, công nghệ, toán học, tin học.
Tại Đức có khoảng trên 300 trí thức khoa học kỹ thuật và chuyên gia lành nghề; một số đang giữ vị trí quản lý điều hành, tập trung ở các lĩnh vực điện tử, kỹ nghệ giấy in, hóa học, năng lượng, khai thác dầu khí, kiến trúc, toán máy tính, nông sinh, chế biến thực phẩm, y, dược, tài chính.
Tại sứ sở sương mù- nước Anh có khoảng trên 100 trí thức là người Việt. Ở Bỉ có số lượng trí thức đông hơn, khoảng 500 trí thức tập trung ở các lĩnh vực cơ khí, hóa chất, luyện kim, điện tử, tin học, nông học, giáo dục - đào tạo, báo chí, khoa học xã hội.
Tại Mỹ, đội ngũ trí thức người Việt đông đảo: Ước tính có khoảng 150.000 người có bằng đại học hoặc trên đại học. Đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, có nhiều tiềm năng, tập trung chủ yếu trong các ngành khoa học và kinh tế mũi nhọn như cơ khí chế tạo, tin học viễn thông, vũ trụ, y học, sinh học, quản lý kinh tế, chứng khoán. Hiện có hơn 10.000 chuyên gia, kỹ sư tin học, kỹ thuật viên cao cấp làm việc tại Thung lũng Silicon và 150 người làm việc trong Ngân hàng Thế giới.
Tại Canada, có tới 2.000 trí thức, trong đó có khoảng 20 người có học hàm cao đang nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học nổi tiếng của Canada...
Trí thức Việt kiều tại các nước được đào tạo có hệ thống, làm việc trong môi trường tiên tiến, hiện đại, có chuyên môn trong các ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều nhà khoa học, đó là nguồn chất xám, tiềm năng to lớn chưa được khai thác. Vậy làm sao để hút được nguồn lực chất xám trở về góp sức cho quê hương?
Chủ tịch Quỹ quan hệ Hungary - Việt Nam Phan Bích Thiện cho biết: Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chưa hút được nguồn lực chất xám về đầu tư trong nước là do Nhà nước chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, động viên khuyến khích được những nỗ lực, nhiệt huyết của kiều bào ở nước ngoài.
“Chúng ta vẫn chưa coi trọng một số ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Thậm chí, có những cá nhân nếu làm việc ở nước ngoài nhận lương 10.000 USD/tháng nhưng sẵn sàng về nước làm chỉ với mức 5.000 USD/tháng, số còn lại như là tình yêu họ dành cho đất nước, thế nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được”- bà Phan Bích Thiện nói.
Theo bà Thiện, kho tàng chất xám nằm trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nếu tranh thủ tận dụng được để đưa về quê hương đất nước thì có thể “định giá” bằng hàng chục tỷ USD. Đưa ra giải pháp để hút dòng chất xám kiều bào về nước, bà Thiện cho rằng cũng đừng đòi hỏi những chuyên gia đầu ngành sẽ về hẳn trong nước cống hiến, nhưng nếu hội đủ điều kiện cần và đủ, chắc chắn những người con xa xứ luôn sẵn lòng. Điều kiện cần và đủ theo bà Phan Bích Thiện đó là liên kết, tổ chức chặt chẽ giữa các tổ chức thành viên trong và ở nước ngoài cùng chuyên môn để trí thức kiều bào có thể tham gia dù trong hay ngoài nước.
Chẳng hạn Hội Y học Việt Nam và Hội Y học ở nước ngoài, nơi có những kiều bào đang cống hiến trong ngành y có thể liên kết với nhau. Điều này sẽ khiến việc chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, cũng như câu chuyện cống hiến cho đất nước sẽ không trở nên khó khăn.
Cũng trăn trở làm sao để thu hút lượng chất xám kiều bào về cống hiến cho nước nhà, ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ: Kể từ khi Nghị quyết 36 công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, hàng năm có khoảng trên 200 lượt trí thức kiều bào từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, CHLB Đức, Nhật, Úc được mời về làm việc với các bộ ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm.
Nhiều lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu composit, giáo dục-đào tạo, tài chính-kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp... được trí thức kiều bào tham gia.
Tuy nhiên, việc huy động chất xám của trí thức kiều bào mới dừng ở việc mời các nhà khoa học về nước làm tư vấn cho một số dự án, tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục... Việc động viên khuyến khích các nhà khoa học kiều bào tầm cỡ tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước vẫn chưa làm được nhiều. Nhiều trí thức, người Việt ở nước ngoài mong muốn đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình cho đất nước, nhưng họ không biết trong nước cần gì và làm thế nào để có thể đóng góp, trong khi họ bị những ràng buộc về pháp lý, về thời gian.
Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần từng bước hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước cũng như góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.
Các ngành chức năng cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục-thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ ở trong nước mở rộng hợp tác... thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước. Có làm được điều đó mới tận dụng được nguồn chất xám của người Việt ở nước ngoài.
Ai cũng mong đóng góp cho đất nước, vấn đề ở chỗ chúng ta có khơi dậy, phát huy được nguồn lực này cho công cuộc xây dựng đất nước hay không- ông Bình chia sẻ.