Bộ máy Chính phủ đã chính thức được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Công tác nhân sự được kiện toàn cũng là lúc nhân dân đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào những vị tư lệnh ngành. Nhân dân mong mỏi, các tân bộ trưởng, trưởng ngành sẽ giải quyết rốt ráo những vấn đề “nóng” liên quan đến từng gia đình, từng con người.
Và sự kỳ vọng đó, nói như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp: “Quốc hội bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này, sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước”.
Điều Quốc hội, nhân dân, cử tri mong đợi vào lúc này chính là các vị tư lệnh ngành khi đã ngồi vào “ghế nóng” thì cần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Là một quốc gia với 67% dân số làm việc ở khu vực nông nghiệp, sống ở nông thôn song bao năm qua người nông dân vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá”, bị thương lái chèn ép.
Bởi vậy ngay sau khi bộ máy Chính phủ được kiện toàn, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) đã nói, đối với một đất nước nông nghiệp như chúng ta thì nông nghiệp và nông thôn luôn được các cử tri, nhân dân quan tâm. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân rất trông chờ vào đổi mới quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng trưởng năng suất, giảm bớt các chi phí đầu vào.
Do đó tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài năng lực, trí tuệ cần có tư duy đổi mới, tích cực. Lo cho nông nghiệp cũng chính là lo cho “trụ đỡ” của nền kinh tế, giải quyết bài toán an sinh xã hội. Những băn khoăn này đang chờ lời hồi đáp của tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - tác giả của “mô hình hội quán”.
Một vấn đề khác cũng đang là thách thức. Đó là giáo dục. Dù đã cải cách nhiều lần song xã hội vẫn cảm thấy lo lắng. Dư luận băn khoăn khi học đường đang không còn là nơi an toàn, khi mà nạn bạo lực chưa được giải quyết.
Thực tế cho thấy giáo dục rất cần một hướng tư duy mới, giải pháp mới. Con người là yếu tố trung tâm, là trung tâm của quá trình đổi mới, nhân tố quyết định và ưu tiên hàng đầu. Do đó gỡ khó cho giáo dục sẽ là cách để khai phóng cho sự phát triển tư duy.
“Điều quan trọng hơn nữa là cải thiện, củng cố vị thế người thầy trong xã hội, trong nhà trường. Hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng. Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Tất nhiên, vị thế cần nâng lên không chỉ dựa vào các chính sách mà chính người thầy cũng phải nỗ lực nâng vị thế qua năng lực, chất lượng giảng dạy, nhân cách của mình”- tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói về phương châm hành động của mình.
Bên cạnh đó, một thách thức khác là cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy, chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Tình trạng “đông nhưng không mạnh” cho thấy nếu chậm cải cách hành chính gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm thì khó có thể giải quyết được tình trạng một việc nhiều người làm.
Chính vì thế, tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đưa ra cam kết sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân; hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài đáp ứng được yêu cầu của nền công vụ trong thời kỳ mới.
Người xưa đúc kết: Nước muốn hưng thịnh thì phải trọng dụng nhân tài. Chọn người và dùng người luôn là cốt lõi của sự thành công. Hy vọng rằng các tư lệnh ngành được chọn sẽ hành động nhanh, kịp thời với tinh thần đổi mới, sáng tạo để đáp ứng được sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.