Phở Thìn 13 Lò Đúc đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu Việt Nam vào năm 2020 với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng "đang giải quyết".
Lùm xùm xoay quanh thương hiệu phở nổi tiếng
Thời gian gần đây, câu chuyện về "truyền nhân" của thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc nhận được sự quan tâm của mọi người khi công bố Giám đốc điều hành thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc sinh năm 2001.
Trên trang fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc có tích xanh đã đăng tải video với nội dung "Phở Thìn Lò Đúc - Bước chuyển giao lịch sử vươn tầm quốc tế" về Đoàn Hải Trung, Giám đốc điều hành mới của thương hiệu phở nổi tiếng và là cháu trai của ông Nguyễn Trọng Thìn, nhà sáng lập thương hiệu.
Câu chuyện về truyền nhân 22 tuổi của một thương hiệu nổi tiếng chưa hết hot thì một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Trọng Thìn - trùng tên với người sáng lập Phở Thìn đã lên tiếng tố những thông tin mà fanpage và Hải Trung chia sẻ là bịa đặt.
Người này cho biết trang fanpage trên không phải của mình cũng như lên tiếng về việc đây là "một câu chuyện như thật và một vở kịch rất hay" cũng như ngầm khẳng định Hải Trung không phải truyền nhân của mình khi đăng trạng thái "Thử xem có nấu được nồi phở chuẩn không mà hiểu phở sau tôi".
Sự tình trong câu chuyện tranh chấp bản quyền chưa được ngã ngũ, đến hiện tại vẫn chưa phân biệt được ai đúng và ai chưa đúng, tuy nhiên vấn đề về bản quyền từ đó cũng được dư luận quan tâm.
Phở Thìn 13 Lò Đúc chưa đăng ký thành công thương hiệu
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện tại có tới 17 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với cái tên Phở Thìn. Tuy nhiên chỉ có 2 doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại 13 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Thứ nhất là Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội. Công ty này có mã số thuế 0109492328, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 13/1/2021 với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung. Trong đó ông Nguyễn Trọng Thìn góp 5,05 tỷ đồng, chiếm 51% vốn góp. Ông Thìn giữ chức danh Chủ tịch hội đồng thành viên. Ông Đoàn Hải Trung góp 4,85 tỷ đồng, chiếm 49% vốn cổ phần. Ông Trung giữ chức vụ Giám đốc.
Theo giấy tờ, địa chỉ hộ khẩu của ông Thìn cũng là trụ sở của công ty này. Trong khi đó, ông Trung có hộ khẩu tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Thứ hai là Công ty Hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội, mã số thuế 0109894362. Công ty được đăng ký thành lập 20/1/2022. Công ty phát triển thương hiệu có vốn điều lệ 500 triệu đồng trong đó ông Thìn và ông Trung mỗi người góp một nửa.
Ngoài 2 công ty trên, ông Đoàn Hải Trung là Chủ tịch HĐQT đồng thời là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn VieThin. Đơn vị này thành lập ngày 16/1/2023 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng.
Trong đó ông Hải Trung góp 7,2 tỷ đồng (tương đương 80%). Hai cá nhân khác là Trần Thị Dung, Đoàn Danh Tuyên góp 20% số vốn còn lại. Ông Nguyễn Trọng Thìn không tham gia góp vốn vào công ty này. Ngoài 2 công ty trên, ông Đoàn Hải Trung còn là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Công ty cổ phần tập đoàn VieThin, thành lập ngày 16/1/2023 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Còn ông Thìn không sở hữu cổ phần VieThin.
Trao đổi với báo chí, ông Thìn cho biết các quán phở Thìn 13 Lò Đúc được mở tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… và một số quốc gia khác khi ông dạy nghề và cho phép mở quán.
Phở Thìn 13 Lò Đúc đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, Nhật, châu Âu và sắp tới là Canada. Trong khi đó tại Việt Nam, năm 2009, ông nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì bị từ chối vì Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn bờ hồ.
Đến năm 2020, ông tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng "đang giải quyết".
Bản quyền thương hiệu - lợi thế trên thị trường
Từ câu chuyện về phở Thìn Lò Đúc, có thể thấy tại Việt Nam, việc đăng ký bản quyền thương hiệu vẫn chưa được phổ biến. Nhiều quán ăn gia truyền lâu năm trở thành “thương hiệu” quen thuộc với người dùng tuy nhiên lại không tiến tới xây dựng thương hiệu có bản quyền đăng ký.
Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội ông Mạc Quốc Anh cho biết, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế, “lực bất tòng tâm” khi xây dựng thương hiệu.
Ở Việt Nam, thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu không bắt buộc. Nhưng những ưu thế từ việc sở hữu một thương hiệu độc quyền giúp cho doanh nghiệp vừa quản trị tốt tài sản của doanh nghiệp, và giúp chiếm nhiều lợi thế trên thị trường. Có thể nói, bảo hộ thương hiệu vừa đảm bảo được các quyền tài sản và cũng làm gia tăng giá trị cho khối tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Ông Quốc Anh kiến nghị: “Để khắc phục bất cập này, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Cụ thể, có giải pháp tổng thể tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ nguồn lực tài chính - nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình”.