Ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, trước thực trạng số ca F0 đang tăng nhanh tại Hà Nội và nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, nhiều người dân do hoang mang lo lắng đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc trị Covid- 19. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, việc dùng sai thuốc không chữa được bệnh, thậm chí sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Thuốc rao bán khó kiểm soát chất lượng
Trước diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, đặc biệt, số F0 phát hiện trong cộng đồng tăng cao, người dân không khỏi có tâm lý lo ngại. Từ đó nhiều người đã tìm mua những loại thuốc được người quen giới thiệu là hàng xách tay, hoặc bán trên các kênh online.
Lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định và bán lại với giá cao cho người tiêu dùng.
Những loại thuốc đang được rao bán nhiều nhất hiện nay là: Molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; Molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc Arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290-350 nghìn đồng/hộp 10 viên; thuốc Areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc Favipiravir và Remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng...
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thuốc điều trị Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Do đó, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Việc người dân truyền tai nhau mua thuốc điều trị Covid-19 có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai thuốc.
BS Hoàng Mạnh Ninh - Bệnh viện Bưu điện phân tích, với hàng xách tay thì không thể biết được chính xác như thế nào, thậm chí nhiều loại còn được quảng cáo thổi phồng công dụng trong khi chỉ là thuốc tăng cường hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, tất cả những thuốc được bán trên mạng xã hội, hoặc giới thiệu là hàng xách tay, đều không được kiểm soát về chất lượng, thậm chí không loại trừ đó là thuốc giả. Và việc phân biệt chúng là điều không dễ dàng. Người dân mua thuốc đã được đóng viên, dập nhãn, nên khi mua hoàn toàn có thể bị lừa.
Trước băn khoăn, với những trường hợp F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà thì cần loại thuốc nào để hỗ trợ điều trị? BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo: Tốt nhất với các trường hợp này là nhanh chóng kết nối với y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì. Đồng thời, các y bác sĩ sẽ tiên lượng ở bệnh nhân đó có thể có gì diễn biến bất thường để lưu ý và đưa đi điều trị kịp thời.
Dùng thuốc kháng virus cần đúng chỉ định của bác sĩ
Hiện tại, thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir...
Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 12/12/2021 thì trong các thuốc có tác dụng kháng virus SARS-CoV-2, chỉ có Favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định. Thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Hiện tại, Molnupiravir đang được dùng trong các chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường.
Các chuyên gia y tế phân tích, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà nên bình tĩnh, cần tuân thủ theo đúng phác đồ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý mua các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường để rồi tiền mất tật mang.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, với những bệnh nhân là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc. Đặc biệt với thuốc kháng virus Molnupiravir, chưa được Bộ Y tế cấp phép, hiện đang sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát, do đó, các F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Thuốc này chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận.