Từ ngày 21/5 tới đây, người dân có thể đến Công an xã, phường, thị trấn để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)... mà không cần phải lên Công an cấp tỉnh, huyện như trước đây. Thực hiện được điều này, người dân sẽ được hưởng lợi qua việc giảm thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục đăng ký xe.
Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 15/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; trình tự đăng ký, thu hồi con dấu…
Một trong những nội dung đáng chú ý, đó là Thông tư mới trao quyền cho Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an xã) đăng ký, cấp biển số xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức. Trước đây, thẩm quyền này thuộc Công an cấp tỉnh và cấp huyện.
Cụ thể, Thông tư 15/2022 quy định Công an cấp xã đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức... có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; Tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Để Công an xã được trao quyền như đã nêu ở trên, địa phương đó phải đáp ứng đủ điều kiện: Trong 3 năm liền kề gần nhất, địa phương có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì Công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe gắn máy. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 21/5/2022.
Vui mừng đón nhận thông tin này, anh Nguyễn Khánh Hoàn (32 tuổi, trú tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng, người dân sẽ rất ủng hộ, đồng tình với nội dung này bởi lẽ họ chính là người hưởng lợi. Cụ thể, trước đây người dân trong thôn, xã mỗi khi mua xe phải đến Công an huyện để đăng ký, bấm biển số xe máy nên số lượng người tập trung rất đông, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Không chỉ vậy, nhiều người dân còn phải di chuyển quãng đường dài hàng chục, thậm chí vài chục km để đến trung tâm huyện đăng ký, bấm biển số xe. Nhưng khi Thông tư này có hiệu lực, họ chỉ cần tới trụ sở Công an xã với quãng đường ngắn hơn rất nhiều và cũng không mất thời gian chờ đợi, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc.
Thông tư 15/2022 của Bộ Công an quy định rõ, để Công an xã được trao quyền đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức thì địa phương đó phải đáp ứng đủ điều nhất định. Đó là, trong 3 năm liền kề gần nhất, địa phương có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong 1 năm. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, Công an xã ở địa phương đó mới được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe gắn máy.
Đồng quan điểm với anh Hoàn, anh Tài (trú tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) hồ hởi cho biết, đa số người dân đều rất phấn khởi khi nắm được thông tin này.
Vì là xã miền núi cách xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn nên người dân muốn đi đăng ký xe phải ra trung tâm huyện cũng mất cả ngày.
Giờ thì quá tiện, ra xã đăng ký là xong, vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm cả chi phí đi lại.
“Công an xã, phường được đăng ký, cấp biển số xe quá tiện, vừa nhanh gọn lại tiết kiệm. Không chỉ người dân được hưởng lợi mà công an cấp huyện, cấp tỉnh cũng giảm tải được công việc.
Một chủ trương đúng, rất phù hợp với thực tế...tôi hoàn toàn ủng hộ” - chị Lê Thùy Linh (29 tuổi, trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Tiến Cường, (quê Thanh Hóa), cho rằng với việc phân cấp đăng ký biển số xe không chỉ giúp người dân thuận tiện, tiết kiệm chi phí mà còn giảm áp lực cho Công an cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, việc triển khai cho Công an xã cấp biển số xe máy có thể áp dụng ở các thành phố lớn vì số lượng đăng ký lớn, còn ở các địa phương khác thì có thể gộp chung các xã gần nhau để tiết kiệm chi phí.
Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn nghiệp vụ
Được biết, để thực hiện Thông tư 15/2022, trong đó trao quyền cho Công an xã, phường được đăng ký, cấp biển số xe máy, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và các tài liệu liên quan phục vụ công tác đăng ký. Với các phường, xã có đủ điều kiện, Bộ sẽ cung cấp phương tiện kỹ thuật, công bố công khai để người dân biết.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, chủ trương của Bộ Công an cũng như tinh thần của Thông tư 15/2022 là phân cấp mạnh mẽ để gần dân nhất và để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Về lộ trình, từ thời điểm Thông tư 15/2022 có hiệu lực, các địa phương sẽ triển khai.
Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như tập huấn cho Công an xã.
Về cơ sở vật chất, hiện nay hầu hết Công an cấp xã, phường đều đã được trang bị máy tính, máy in và đường truyền dữ liệu nên việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe máy không phải là vấn đề lớn đối với Công an cấp xã.
Trao đổi về vấn đề trên, Chuyên gia giao thông- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, gần đây số lượng xe máy tăng nhanh gây áp lực đối với việc đăng ký, cấp biển số xe. Trước đây cấp tỉnh, huyện cấp, người dân phải đi xa, số lượng nhiều, chờ đợi lâu, thậm chí có nơi còn xảy ra tiêu cực. Vì vậy, ông Thủy cho rằng, người dân lên Công an xã, phường đăng ký cấp biển số sẽ rất gần, thuận tiện lại tiết kiệm.
Nói về cơ chế quản lý, ông Thủy cho rằng, bên cạnh việc hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ đăng ký, cấp biển số xe cho công an xã, phường thì ngành chức năng cũng cần phải quy rõ trách nhiệm của Công an xã, phường trong việc đăng ký, cấp biển số xe máy một cách rõ ràng, để tạo tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Công an xã được đăng ký, cấp biển số xe máy nhưng ngành cũng đưa ra các quy định, quy trách nhiệm rõ ràng đối với công an xã, phường trong việc đăng ký, cấp biển số xe máy để tránh tiêu cực. Cơ quan cấp trên cũng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát đối với Công an xã, phường trong việc cấp biển số xe máy...” - ông Thủy nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhìn vào cảnh người dân xếp hàng chen chúc nhau đi làm thủ tục đăng ký xe máy, cấp biển số xe máy rồi cảnh ngồi đợi lấy kết quả tại trụ sở công an tỉnh, huyện trong thời gian qua mới thấy sự thay đổi lần này đáng mừng như thế nào.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Cốt lõi là người dân được hưởng lợi
Thực hiện trao quyền cho Công an cấp xã thực hiện đăng ký, cấp biển số xe máy sẽ rất thuận lợi cho người dântrong việc giảm thời gian, cũng như chi phí đi lại do Công an xã ở gần hơn.
Ngành Công an trao quyền cho Công an xã, phường thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy là việc làm mới, chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, cốt lõi là người dân được hưởng lợi, mà cái gì có lợi cho dân thì nhất định phải làm.
Bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: Chủ trương đúng
Việc Bộ Công an cho phép người dân được đăng ký, bấm biển số xe máy ở công an cấp xã, phường tôi cho rằng rất là tốt. Bởi nhu cầu xe máy trong giai đoạn trước mắt vẫn tăng trong khi đó mỗi địa phương chỉ có vài nơi đăng ký nên người dân rất mất thời gian.
Thực hiện được điều này thì lợi cả đôi đường, cái lợi đầu tiên là dân đỡ mất thời gian và Công an cấp xã, phường cũng quản lý được các phương tiện xe máy đăng ký trên địa bàn.
Tôi cho rằng chủ trương trao quyền cho Công an cấp xã, phường thực hiện đăng ký, cấp biển số xe máy là chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu ngành Công an cần chỉ đạo, giám sát thật chặt. Bởi, nếu làm không chuẩn thì lại ảnh hưởng tới dân.
Ngoài ra, cũng nên chọn thí điểm một vài nơi, xem có phát sinh vấn đề gì không, có phải điều chỉnh gì không, sau đó mới nhân ra diện rộng.
Hoàng Sơn(ghi)