Giáo dục

Từ trang sách giáo khoa đến hành trình nuôi dưỡng tình yêu với sách

Minh Đức 21/04/2025 16:01

Ngày 21/4 hằng năm được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam – một dịp không chỉ tôn vinh giá trị của sách mà còn là thời khắc để suy ngẫm về những điều mà sách mang lại: tri thức, phẩm chất, năng lực, văn hóa, cảm xúc.

Với học sinh, sách giáo khoa chính là những cuốn sách đầu tiên khơi dậy niềm say mê đọc sách. Không chỉ đơn thuần là công cụ truyền đạt kiến thức, sách giáo khoa còn là người bạn đồng hành, là cánh cửa đầu tiên mở ra thế giới rộng lớn của tri thức nhân loại. Từ đó, tình yêu với sách – và với việc học, việc đọc – được nhen nhóm.

Khi bài học gắn liền với thực tiễn

Nhiếp ảnh gia Trần Thành nhớ lại: “Đó là một ngày cuối năm 2018, tôi theo tàu công tác đi tặng quà Tết cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo An Bang là điểm đến thứ năm – cũng là nơi khó tiếp cận nhất do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng gió, chúng tôi đặt chân lên đảo dưới cơn mưa tầm tã. Khi đến gần cột mốc chủ quyền, tôi lặng người trước hình ảnh một người lính hải quân trẻ tuổi đang đứng gác. Gương mặt trẻ nhưng cương nghị của chiến sĩ trẻ nổi bật giữa gió biển và mưa rơi – tay vẫn bồng chắc súng bảo vệ bình yên cho Tổ quốc nơi cực Nam. Giờ đây, bức ảnh ấy đã trở thành ảnh minh họa trên bìa sách của môn Giáo dục quốc phòng và an ninh 10, bộ sách Cánh Diều. Hình ảnh đó, theo sách giáo khoa, sẽ đến với học sinh khắp mọi miền tổ quốc, nuôi dưỡng trong các em niềm tự hào về Tổ quốc và lòng biết ơn những con người thầm lặng giữ gìn chủ quyền đất nước.”

b43a8d833e128d4cd403.jpg
Sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh 10, bộ sách Cánh Diều (ảnh: Minh Đức)

Trong sách Tiếng Việt 5, bộ sách Cánh Diều những bài thơ, câu chuyện khắc họa hình ảnh những con người lao động như chú công an, cô lao công, “thầy giáo mang quân hàm xanh” đã được nhóm Tác giả lựa chọn làm ngữ liệu cho sách. Với những hình ảnh gần gũi này đã neo vào tâm hồn trẻ nhỏ niềm kính trọng và tình yêu với những công việc lao động bình thường trong cuộc sống thường nhật.

Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống

GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Toán bộ sách Cánh Diều – chia sẻ: “Hai triết lý của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Toán là: hình thành và phát triển năng lực Toán học cho học sinh và phát triển khả năng vận dụng Toán học vào cuộc sống. Tinh thần này được chúng tôi quán triệt xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, giúp các em cảm thấy môn Toán gần gũi hơn, gắn với đời sống thực tế.”

Sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói chung và đặc biệt là bộ sách Cánh Diều không chỉ chú trọng nội dung mà còn đầu tư hình thức: trình bày bắt mắt, giấy in chất lượng, bài học sinh động. Trong thời đại 4.0, khi học sinh có nhiều nguồn tiếp cận thông tin nhanh, những cuốn sách giáo khoa “thơm mùi mực” vẫn là nơi chắp cánh cảm hứng đọc, góp phần khơi dậy văn hóa đọc trong nhà trường.

Đỗ Trường Thành – học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Con thấy những bài học trong sách Ngữ văn rất dễ hiểu, rất hay. Các ngữ liệu đa dạng; các phần thực hành ứng dụng cao và con cũng đã ứng dụng được vào trong cuộc sống như khi con viết những đoạn cảm xúc chia sẻ của mình”.

Chị Bùi Thị Linh Chi – phụ huynh bạn Hạnh Nguyên – học sinh lớp 3 tại trường Tiểu học Tân Mai (Hà Nội) nói thêm: Hiện nay, việc học không chỉ là việc các con đến trường mà còn là quá trình đồng hành cùng cha mẹ. Dạy con học ở nhà là một việc không hề dễ dàng dù bố mẹ có trình độ. Nhưng rất may mắn những bài học trong sách giáo khoa mới hiện nay đã không còn chỉ là một nội dung học thuật mà từ hình ảnh minh họa, bài tập đều gắn với những đồ vật, dụng cụ trong cuộc sống nên khiến con tiếp thu nhanh và hứng thú hơn.)

dc564b79cae879b620f9.jpg
Mẹ con bạn Hạnh Nguyên tự học tại nhà (ảnh: Minh Đức)

Văn hóa đọc: Hành trình nuôi dưỡng từ những trang sách đầu tiên

Để sách giáo khoa thực sự đến được với học sinh và nuôi dưỡng văn hóa đọc, vai trò của giáo viên là không thể thiếu. Các đơn vị xuất bản sách đã tạo ra các chương trình hoạt động để đồng hành cùng giáo viên. Nổi bật phải kể đến Công ty VEPIC – đơn vị liên kết phát hành bộ sách Cánh Diều – đã không ngừng tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo viên: tập huấn chuyên môn, triển khai hoạt động xã hội, trao tặng sách và thiết bị học tập, tri ân động viên những nỗ lực của các nhà giáo. Trong năm học 2024–2025, các chương trình như "Tiếp sức đến trường", "Xây dựng thư viện xanh", và "Hành trình trao sách – Chắp cánh ước mơ" đã “xây” hơn 400 thư viện trường học trên toàn quốc. Thầy giáo Trần Quốc Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Tiến (thị xã Hương Trà - TP Huế) từng chia sẻ: “Với một ngôi trường vùng khó như chúng tôi, sự hỗ trợ từ Công ty VEPIC là vô cùng ý nghĩa. Những cuốn sách đẹp, thiết bị hiện đại giúp học sinh tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, thắp sáng giấc mơ học tập.”

trao tang sach o Buon Ho
Trao tặng sách, thiết bị học tập, tivi thông minh tại Bình Dương ((ảnh: Minh Đức)

Cô Bùi Thị Kim Tiến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Buôn Hồ- Đắk Lắk) cũng bày tỏ niềm vui: “Ti vi, sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị dạy học tặng cho thư viện là món quà quý. Nhờ đó, tiết đọc ở thư viện hằng tuần trở nên hấp dẫn hơn, các em học sinh hình thành thói quen và tình yêu với sách từ sớm.”

Sách giáo khoa là nơi tích lũy kiến thức nền tảng, là chiếc cầu nối giữa lịch sử – văn hóa – giáo dục. Từ bàn tay nâng niu của thầy cô, sách đến với học sinh, trở thành người bạn thân thiết trên hành trình khám phá thế giới. Mỗi bài học không chỉ giúp các em “biết” và “hiểu”, mà còn “làm” và “vận dụng” – đúng với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.

Văn hóa đọc không chỉ bắt đầu từ việc mở một cuốn sách, mà ở cách từng bài học gieo mầm cảm hứng sống đẹp, sống có lý tưởng và trách nhiệm. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một ngày lễ, nhưng hành trình đọc là hành trình cả đời.

Và trên hành trình đó, sách giáo khoa – những sản phẩm được viết bằng tâm huyết, trí tuệ – sẽ là điểm khởi đầu đầy cảm hứng cho một thế hệ học sinh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ trang sách giáo khoa đến hành trình nuôi dưỡng tình yêu với sách