Tư vấn hướng nghiệp: Làm gì để thí sinh 30 điểm không trượt đại học?

Nguyễn Hoài 29/04/2022 14:04

Trong những năm qua, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp, làm trái ngành đào tạo hoặc đi đào tạo ngành khác ngày càng phổ biến. Đáng chú ý, mùa tuyển sinh năm 2021 xuất hiện tình trạng nhiều thí sinh dù đạt 30 điểm vẫn trượt đại học. Thực tế đang diễn ra là điều đáng suy nghĩ về công tác tư vấn hướng nghiệp.

Lựa chọn nghề theo cảm tính

Thời điểm này, học sinh lớp 12 cả nước đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Đây là thời điểm vàng để các trường đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp.

Trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam) có hơn 400 học sinh lớp 12. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng nhà trường, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới công tác hướng nghiệp cho học sinh của nhà trường. Thay vì tổ chức nhiều hoạt động, thầy trò vẫn bám theo từng chủ đề của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành mảng hướng nghiệp.

Trong công tác này, các thầy cô tư vấn cho học sinh và phụ huynh rằng ngành nghề lựa chọn sau này quan trọng hơn là học ngôi trường đại học nào. Tuy nhiên, bà Thu chia sẻ thực tế, một bộ phận học sinh và phụ huynh đang có tư tưởng chọn trường trước rồi chọn nghề sau.

Hiện các trường đang đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp.

Bà Thu cho rằng: “Nếu vào được trường danh giá mà không được học đúng chuyên ngành mình yêu thích và có sở trường thì sau này ra trường sẽ rất khó khăn. Do vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh chọn nghề, chọn trường phù hợp với bản thân luôn đóng vai trò quan trọng”.

Trong bối cảnh có quá nhiều chương trình đào tạo với những quảng cáo chuẩn đầu ra và vị trí việc làm như hiện nay, nhiều thí sinh, gia đình hoang mang chưa biết lựa chọn trường, chọn nghề như thế nào.

Trước việc các trường đại học nở rộ nhiều ngành đào tạo mới, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhìn nhận, nhiều trường đưa ra chương trình đào tạo mới nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”. Những chương trình này không khác nhiều so với chương trình hiện hành nhưng được các trường xào xáo, thay đổi tên gọi. Nhưng không phải phụ huynh, học sinh nào cũng biết điều này.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Điều hành, Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp (IVES) nhìn nhận, hoạt động phân luồng hướng nghiệp cho học sinh vẫn gặp nhiều hạn chế do tâm lý của người học và phụ huynh “chuộng” học tiếp lên đại học.

Chuyên gia này cho hay: “Nhiều thí sinh, gia đình có suy nghĩ cố gắng đỗ vào các trường top cao thì mới hi vọng ra trường có việc làm. Khảo sát nguyện vọng của các thí sinh cho thấy, một tỷ lệ lớn các em mong muốn vào các trường công an, quân đội, an ninh để thuận lợi đầu ra. Điều này cho thấy, học sinh thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu thông tin về cơ cấu ngành nghề trong xã hội, lựa chọn theo cảm tính”.

Cần nói ít làm nhiều

Lựa chọn ngành nghề theo cảm tính là một thực tế diễn ra ở nhiều địa phương, các nhà trường hiện nay. Suy nghĩ này dẫn đến hệ lụy tỷ lệ cử nhân thất nghiệp, làm trái ngành đào tạo hoặc đi đào tạo ngành khác ngày càng phổ biến.

Đáng chú ý, xu hướng lựa chọn ngành “hot” khiến điểm chuẩn của mùa tuyển sinh năm ngoái ở một số nhóm ngành tăng đột biến. Nhiều thí sinh có mức điểm 26, 27, thậm chí 30 điểm nhưng trượt tất cả các nguyện vọng.

Ngược lại, ở một số nhóm ngành cơ bản nhu cầu thị trường lao động đang rất cần như: môi trường, khí tượng thủy văn, địa chất, tài nguyên nước, nông lâm nghiệp… dù mức điểm xét tuyển thấp nhưng thí sinh vẫn không mấy mặn mà.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Bộ GDĐT tổ chức.

Từ những ồn ào những ngày qua về thông tin “ép” học sinh lớp 9 không thi vào 10 THPT như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin ở những bài viết trước đến tình trạng thí sinh đổ sô vào những ngành “hot”, trường “hot” nêu ở trên, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Hiện tượng này là thất bại của công tác hướng nghiệp. Lâu nay, công tác này chỉ nói nhiều hơn làm”.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, hướng nghiệp là việc làm rất có ý nghĩa với học sinh và các em có quyền cơ bản nhất là quyền được chọn nghề. Tuy nhiên, việc làm này ở bậc phổ thông không có tác dụng gì, trở thành tình trạng ép buộc.

Những người làm công tác hướng nghiệp cần đưa ra bức tranh chung về ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là những ngành nghề cần phát triển ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, hiện nay, các trường đại học chưa làm tốt công tác dự báo, tình trạng thiếu – thừa nguồn lao động sau 4-5 năm các em học xong đại học.

PGS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận: “Các trường đại hiện nay mở ngành đào tạo dựa vào thực tế trước mắt chứ không nhìn được tương lai. Như vậy sẽ rơi vào khủng hoảng đào tạo xong rồi thất nghiệp”.

Trước thực tế này, PGS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, phân luồng hướng nghiệp yêu cầu sự bắt tay cùng làm, sự kết hợp từ nhiều phía: trường phổ thông, trường nghề, trường đại học, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.

“Ở bậc phổ thông, các trường phải có hồ sơ hướng nghiệp của từng học sinh. Sau khi các em tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học, các trường phổ thông, trường đại học phải biết học sinh ra trường đi đâu, làm việc gì. Từ đó có cơ sở để thực hiện công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư vấn hướng nghiệp: Làm gì để thí sinh 30 điểm không trượt đại học?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO