Tối qua, 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch vì Covid-19 diễn ra đầy xúc động. Cả nước đau buồn tiễn biệt những người không may bị dịch Covid-19 lấy đi cuộc sống. Lễ tưởng niệm cũng nhắc nhở chúng ta rằng dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa ghê gớm, không lúc nào được chủ quan, mất cảnh giác.
Sau một thời gian không dài tưởng như dịch lắng xuống, với số ca mắc mới và số người tử vong giảm, thì gần đây diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp. Thông báo của Bộ Y tế, từ 18 giờ ngày 17 đến 18 giờ ngày 18/11, cả nước có thêm 10.223 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở 60/63 tỉnh, thành phố - con số cao nhất trong 53 ngày qua. Cũng thời gian đó có 139 người tử vong do Covid-19. Đó cũng là số người tử vong nhiều nhất trong 44 ngày qua, tính đến ngày 18/11.
Vẫn theo Bộ Y tế, bình quân số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày (tính tới ngày 18/11) là 9.126 ca/ngày, trong khi 7 ngày liền kề trước đó là 7.821 ca/ngày. Cũng trong vòng 7 ngày gần đây, trung bình số tử vong là 90 người/ngày, trong khi 7 ngày trước là 72 người/ngày.
Tuy không còn căng thẳng như thời kỳ cao điểm dịch tháng 8, tháng 9, nhưng những ngày gần đây dịch Covid-19 lại có dấu hiệu gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số ca mắc mới của thành phố mỗi ngày vẫn từ 1.000-1.400 ca. Số ca nhập viện cao hơn số xuất viện. Số ca tử vong chưa giảm, thậm chí là có tăng. Cũng chính vì thế, chỉ sau 2 ngày cho phép, đến ngày 18/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản tạm thời ngưng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar...
Còn tại Hà Nội, thông tin từ Sở Y tế tối 18/11, Thủ đô có 277 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, trong đó có tới 114 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca cộng đồng nhiều nhất từ trước tới nay ở Hà Nội.
Cũng rất đáng chú ý, các tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc diễn biến dịch cũng trở nên phức tạp, với số ca dương tính mới “rập rình” tăng. Với các tỉnh Nam Trung bộ, Bình Thuận và Khánh Hòa - hai địa chỉ du lịch nổi tiếng, độ nóng Covid-19 vẫn chưa dịu xuống.
Không thể “đóng cửa”, phong tỏa như trước nhưng thực tế cho thấy rất cần có những biện pháp kịp thời kiểm soát, không chế dịch, đặc biệt là với các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng đó, việc kéo giảm các ca tử vong cũng phải được coi là cực kỳ quan trọng của cuộc chiến chống dịch. Đó cũng chính là trách nhiệm đối với người dân, mà ở đây vai trò quan trọng nhất chính là cơ quan y tế và chính quyền các địa phương.
Người dân đồng lòng chống dịch, và người dân cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm phòng dịch, ý thức bảo vệ bản thân gắn với bảo vệ người thân, cộng đồng đã ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khi công bố số ca mắc, số ca bệnh nặng, số ca tử vong mỗi ngày... thì cơ quan chức năng cần chi tiết hơn. Người dân nắm được cụ thể thì tâm lý cũng sẽ vững vàng, tăng cường hơn nữa việc phòng dịch khi đã xác định “sống chung” với virus gây bệnh. Với Hà Nội, cùng với con số chung, thì người dân rất muốn biết số trường hợp nặng là bao nhiêu, bao nhiêu trường hợp phải thở máy, bao nhiêu người phải vào ICU. Hay là sau khi tiêm vaccine số ca nặng giảm đi được bao nhiêu, vì hơn 80 F0 không có triệu chứng. Với số ca tử vong, cũng cần thông báo về nguyên nhân chính, độ tuổi... đi cùng con số cần có sự phân tích rõ ràng, dễ hiểu.
Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Những gì đã qua là bài học vô cùng cần thiết để lượng định chính xác tình hình cũng như có những giải pháp thích hợp nhất. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc mới và số ca tử vong cùng tăng trong thời gian gần đây, thì người dân càng cần có được sự hướng dẫn chi tiết của cơ quan chức năng để tự vệ. Vì rằng, với dịch Covid-19, tự vệ là để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ cộng đồng - đó là vấn đề luôn phải được đặt ra.