Một vòng lặp mà không một ai muốn trải qua, Afghanistan chỉ muốn hoàn toàn quên đi những đau khổ trong quá khứ.
Niềm hy vọng lớn lao sau những tháng ngày đau khổ
Đó là ngày 13/11/2001, thời điểm mặt trời bắt đầu ló dạng sau dãy núi Hindu Kush sau khi Taliban biến mất khỏi Kabul - thủ đô tàn khốc của Afghanistan, đó cũng là lúc niềm hy vọng của người dân trỗi dậy.
Khoảng thời gian đó, Mỹ vẫn đang quay cuồng sau vụ tấn công kinh hoàng 2 tháng trước, khi máy bay của nhóm khủng bố Al Qaeda đã phá tan tòa tháp đôi mang tính biểu tượng cho nền kinh tế thịnh vượng của quốc gia này, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Sau sự kiện rúng động thế giới, nước Mỹ đã bắt Al Qaeda phải nhận trái đắng bằng cách giáng những cuộc tấn công mạnh mẽ vào đội quân này.
Các tay súng và thủ lĩnh, Osama bin Laden đã chạy trốn ở Afghanistan sau vụ tấn công, đồng thời được lực lượng Taliban che chở. Trong bối cảnh đó, người dân Afghanistan hiểu rằng sứ mệnh chống lại Bin Laden là cơ hội để đảm bảo cho tương lai của họ - một tương lai không hề mong muốn như hiện tại. Và những năm tháng kể từ sau năm 2001, Afghanistan tin vào sức mạnh của “những người ngoại quốc”.
Từ hàng trăm năm trước cho đến những ngày tháng hỗn loạn gần đây khi Mỹ rút khỏi căn cứ không quân và sau đó là thủ đô Kabul, cụm từ “người ngoại quốc” mang rất nhiều nghĩa đối với bối cảnh khác nhau ở Afghanistan, từ “kẻ xâm lược” cho đến “thực dân”. Nhưng vào tháng 11/2001, thời điểm thủ đô Afghanistan gần như đổ sập, thì họ được xem là “hy vọng”.
“Tôi thấy mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy năng lượng để bắt đầu cuộc sống mới,” Torek Farhadi - một nhà kinh tế học Afghanistan nhớ lại.
Ông cũng hồi tưởng về “những người phụ nữ trẻ thông minh” bản thân từng gặp, họ đã mất rất nhiều nền tảng giáo dục trước sự đàn áp hà khắc của Taliban trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2001.
Sự xuất hiện của liên minh do Mỹ dẫn đầu vài tuần sau cuộc tấn công ngày 11/9 đã chấm dứt một số chế độ đàn áp cực đoan về tôn giáo tại quốc gia này. Những luật lệ như cấm phụ nữ đi học, khi ra ngoài phải có đàn ông đi kèm, đàn ông buộc phải để râu và cấm truyền hình cũng như tất cả âm nhạc trừ thánh ca tôn giáo, đều bị bãi bỏ.
Nỗi tuyệt vọng hiện tại kéo Afghanistan lại gần hơn với quá khứ “rất muốn quên lãng”
Sự trở lại của lực lượng Taliban vào tháng trước, với những bộ râu dài và kiểu tóc tua-bin truyền thống đã gây nên nỗi sợ hãi khắp quốc gia.
Afghanistan là đất nước có 36 triệu dân, và trong số họ có rất nhiều người với suy nghĩ bảo thủ. Nhưng ngay cả những người bảo thủ như thế cũng không thể chấp nhận được những luật lệ hà khắc mà lực lượng Hồi giáo Taliban đã áp đặt khi họ cai trị quốc gia này lần cuối.
Những thủ lĩnh mới của Taliban đều hứa hẹn về một lực lượng hoàn toàn thay đổi lần trở lại này. Từng nhút nhát và ẩn dật trước ống kính nhưng giờ đây họ thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố rằng phụ nữ có thể đi làm, đi học và sống một cuộc sống bình đẳng. Thế nhưng ai dám tin những lời nói đó, nhất là khi người dân Afghanistan đã từng trải qua những cơn ác mộng trong quá khứ.
Những người lớn tuổi lo ngại rằng nền kinh tế vốn đã không ổn định của quốc gia này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn sau khi Taliban nắm quyền. Nỗi khiếp sợ của người dân trước lực lượng này không thể hiện nhiều ở những vụ tấn công phụ nữ, mà là sự đàn áp không ngừng khiến họ không dám ra ngoài. Những chiếc áo “burqa” truyền thống che toàn bộ cơ thể đã trở thành biểu tượng cho sự đàn áp của Taliban.
Giờ đây, người dân Afghanistan đang đứng trước tình thế thê thảm, người đi không xong, người ở lại cũng không ổn. Đối với những ai đã từng quan sát quốc gia này trong nhiều năm, thì cảnh tượng người dân cố bám vào những máy bay đang cất cánh tại Kabul dường như là sự cùng cực đến tận đáy sau gần 2 thập kỷ nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Mọi người đã mất niềm tin”.