Kinh tế

Từ “Vua hàng hiệu” đến người đồng hành vì cộng đồng

QUỐC ĐỊNH 01/05/2025 09:20

Với những ký ức và tình cảm đặc biệt dành cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, sau ngày thống nhất đất nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - người từng học tập, làm việc ở Hoa Kỳ đã quay về để kiến tạo, xây dựng quê hương theo lời mời của Chính phủ.

tr20-21 (3)
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao tặng kinh phí hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM. Ảnh: Q.Đ.

Trở về để góp phần xây dựng quê hương

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kể: Năm 1975, lúc đó ông đang du học ở Mỹ thì rất vui khi hay tin đất nước đã thống nhất. Bên cạnh đó, trong lòng cũng có các mối lo. Trước hết là khoản viện trợ bị cắt nên bản thân phải tự xoay xở kinh phí để hoàn thành chương trình học của mình; đặc biệt là trong đầu luôn nung nấu ước vọng phải làm gì để xây dựng quê hương.

Sau khi ra trường, ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm việc cho hãng Boeing ở Mỹ. Năm 1985, lúc đó ông đang làm Thanh tra tài chính cho Boeing, ông nhận được cuộc điện thoại từ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, mời về thăm gia đình. Ngay sau đó không lâu, ông nhận được lời mời về nước lần thứ hai. Nhưng khác với trước đây, ông gửi lại vợ con cho ông bà tại Philippines để về nước một mình. Về nước, ông ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vì có nghiệp vụ ở Boeing và mối quan hệ với Chính phủ Philippines nên ông được đề nghị giúp Việt Nam mở đường bay quốc tế từ TPHCM (Việt Nam) tới Manila (Philippines). “Lúc này, tôi có 2 quyết định khó khăn, một là tiếp tục về Mỹ sống cuộc sống đầy đủ hoặc là gửi lại vợ và các con tại Manila để trở về nước. Sau những đắn đo, tôi chọn phương án về Việt Nam, chấp nhận hai đứa nhỏ thiếu thốn tình cha” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn tâm sự.

Để khỏi vướng bận, ông quyết định thanh lý toàn bộ nhà cửa, xe cộ, đồ dùng… sau 15 năm xây dựng sự nghiệp tại Mỹ. Một điều may mắn là vợ ông - bà Tina cũng đồng cảm, ủng hộ chồng hướng về quê hương, cội nguồn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhớ lại, lần đầu tiên cả gia đình ông về thăm Việt Nam, điều ông day dứt nhất là lúc đó đất nước còn nghèo, đặc biệt là thuốc chữa bệnh rất thiếu thốn, không ít người, nhất là trẻ em phải mất đi trong sự tiếc nuối vì thiếu thuốc chữa bệnh. Do đó, khi có giấy phép đường bay, ông đề nghị Sở Y tế TPHCM cung cấp danh sách các loại thuốc cấp thiết nhất, đồng thời ông vận động bà con Việt kiều gửi thuốc và hàng hóa về cho người thân ở trong nước. “Những chuyến bay về bao giờ cũng đầy hàng nhưng chiều bay đi thường rỗng. Sau 3 năm hoạt động, tôi bị thâm hụt tới 5 triệu USD, hồi đó số tiền này có thể mua được khoảng 500 căn hộ ở trung tâm TPHCM” - ông nói.

Sợ ông buông xuôi vì dịch vụ bay lỗ lớn, nhiều người vẫn động viên ông cố gắng giữ đường bay và ông vẫn duy trì suốt 3 năm. Sau đó ông chuyển giao lại cho hãng Hàng không quốc gia Việt Nam khi Hiệp định hàng không với Philippines được ký kết.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc vận động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước đề nghị ông hỗ trợ hình thành cơ quan chuyên trách về hợp tác đầu tư. Ông đã phối hợp thành lập văn phòng đầu tiên của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tại TPHCM.

Tinh thần tương thân tương ái và ý tưởng xây dựng một nền kinh tế bền vững

Từ những năm 2005, "Vua hàng hiệu" - Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhận định hướng phát triển bán lẻ tại thị trường Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ông đã chỉ đạo IPPG đầu tư mở Siêu thị Miền Đông với diện tích hơn 10.000m2, được xem là siêu thị hiện đại và lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Sau đó ông đầu tư vào Siêu thị Bình Dân với diện tích 5.000m2 cung cấp hơn 25.000 mặt hàng đa dạng, giá cả ổn định cho TPHCM và người dân ở các tỉnh lân cận.

Việc "Vua hàng hiệu" tiên phong đầu tư vào hệ thống siêu thị hiện đại từ những năm 2005 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, hiện đại hóa ngành bán lẻ, thúc đẩy tiêu dùng và góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Với tinh thần tương thân tương ái chia sẻ với cộng đồng, ông cùng với cộng sự tích cực tham gia các chương trình giáo dục, an sinh xã hội - trợ giúp người nghèo và tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, trường học cho học sinh và nhà ở cho giáo viên tại các vùng xa.

Năm 2018, IPPG đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực giáo dục bằng việc đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Tập đoàn đã tài trợ hàng triệu USD cho việc xây dựng các trung tâm đào tạo AI và Robotic cho học sinh cấp một và cấp hai. Các trung tâm này được thành lập tại Đại học Quốc gia TPHCM. Ngoài ra, IPPG còn đóng góp thông qua các quỹ đền ơn đáp nghĩa của các chương trình xã hội khác tại các địa phương, với tổng số tiền tài trợ từ năm 2014 đến tháng 9/2024 là 382 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, chỉ từ năm 2020 - 2024, dưới sự điều hành của "Vua hàng hiệu", IPPG đã hỗ trợ đại dịch Covid-19 và tài trợ cho các hoạt động của thành phố với tổng số tiền hơn 120 tỷ đồng.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, qua gần 40 năm gắn bó, ông luôn xác định sứ mệnh cống hiến cho quê hương. Ông bày tỏ, nếu được phê duyệt sẽ triển khai các dự án mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Cụ thể: Xây dựng khu thương mại cao cấp và trung tâm mua sắm giảm giá theo chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành trung tâm mua sắm, giải trí hàng đầu. Ngoài ra sẽ phối hợp với đối tác trong và ngoài nước xây dựng khu phức hợp thương mại, giải trí quy mô lớn, góp phần từng bước hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ “Vua hàng hiệu” đến người đồng hành vì cộng đồng