Gần đây, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng, lở loét,… do tự ý đắp lá thuốc, uống thuốc nam để điều trị bệnh tại nhà.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 32 tuổi ở Tuyên Quang trong tình trạng bỏng vùng bẹn, bìu vì tự đắp thuốc nam chữa bệnh. Vết thương không chỉ bị bỏng chảy dịch mà còn mất da, có mùi hôi và khiến bệnh nhân vô cùng đau nhức.
Theo đó, bệnh nhân bị bỏng nhiệt 20 ngày trước, không đến viện mà tự điều trị tại nhà bằng cách đắp lá thuốc nam. Bệnh tình không giảm, vết thương ngày càng đau nhức, chảy mủ, có mùi hôi, anh mới chịu đến bệnh viện. Bác sĩ đã vệ sinh, xử lý sạch vùng bỏng ngay cho bệnh nhân, dùng kháng sinh chống viêm. Bệnh nhân cần phải phẫu thuật để ghép da.
Bệnh viện này trước đó cũng đã từng tiếp một nhận bệnh nhân nữ (47 tuổi, ở Đoan Hùng) nhập viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể, có khối u vú trái lở loét, chảy dịch mủ vàng vì đắp thuốc nam chữa ung thư vú. Theo đó, nữ bệnh nhân phát hiện bị ung thư vú từ năm 2016, nhưng lại không đến bệnh viện điều trị mà tự ý mua thuốc nam về đắp vào ngực trái. Sau 2 năm, khối u không những không đỡ mà còn có dấu hiệu phát triển to hơn rồi bị vỡ, chảy mủ vàng, khiến bà đau nhức nhiều, cơ thể yếu.
Theo TS.BS Phạm Cẩm Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai (Hà Nội) thì có một thực trạng đáng buồn là không phải bệnh nhân ung thư nào cũng tuân thủ điều trị theo lời khuyên của bác sĩ. Bệnh nhân không tiếp nhận hóa trị, xạ trị mà tin dùng các bài thuốc lá, bài thuốc Đông y không rõ nguồn gốc là sai lầm khá phổ biến, khiến bệnh ung thư càng tăng tốc đến giai đoạn cuối nhanh hơn. Khi chữa trị không thành mới tìm đến bác sĩ, bệnh đã quá muộn.
Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện chuyên khoa ung bướu cũng cho hay, không chỉ những người dân nghèo, không đủ kiến thức từ những vùng quê tin dùng theo phương pháp “truyền miệng” mà ngay cả bênh nhân có kiến thức ở thành phố như giáo viên… cũng đã bỏ phác đồ điều trị mà theo phương pháp “truyền miệng” các loại lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc,… dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí nguy hại tính mạng.
Theo lương y Bùi Hồng Minh- nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội): Dù điều trị Đông y hay Tây y thì người bệnh cũng cần tuân thủ đúng theo liều lượng, sự kiểm soát của bác sĩ, lương y chứ không tự ý mua về và sử dụng. Nhất là mua ở những nơi không đảm bảo uy tín, có thể gây nên tình trạng sức khỏe nguy kịch.
Do đó, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, người bệnh và người nhà người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách theo phác đồ điều trị.