Tuần qua, thế giới lại tiếp tục ghi nhận sự khắc nghiệt của thời tiết: mưa lớn kéo dài gây lũ lụt ở Mỹ, châu Á; hạn hán tiếp diễn ở nhiều quốc gia châu Âu.
Ngày 25/8, tờ The Washington Post dẫn lời giới chức thị trấn Oxford (bang Connecticut, Mỹ) cho biết, tuần qua mưa lớn dẫn đến lũ quét tại khu vực đông bắc nước Mỹ, gây chết người và đảo lộn cuộc sống người dân. Ít nhất 2 phụ nữ đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang lái xe dưới một trận mưa như trút.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), tại bang Connecticut, lượng mưa gần 254mm đổ xuống thị trấn Monroe ở hạt Fairfield, còn thị trấn Middlebury ở hạt New Haven ghi nhận lượng mưa 242mm. Trên sông Pomperaug, nước lũ cuồn cuộn dâng cao. Trong khi đó, các nhà khí tượng học cho biết lượng mưa ở một số địa phương tại Connecticut là “1.000 năm mới có một lần”. Bà Brenda Bergeron (Sở Dịch vụ khẩn cấp và Bảo vệ công cộng Connecticut) cho rằng, đợt mưa kéo dài suốt 1 tuần tại địa phương này “cần phải được ghi vào lịch sử”.
Còn Thống đốc Connecticut, Ned Lamont, nói với The Washington Post rằng mưa lớn kéo dài đã gây ra những đợt lũ rất nghiêm trọng, nhiều con đường đã buộc phải phong tỏa, kể cả đường sắt.
Mưa lớn cũng lan tới khu vực phía tây Long Island (bang New York), khiến Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp về lũ quét cho hạt Suffolk. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh nước lũ tràn vào các đường phố.
Trái ngược với khu vực Đông nước Mỹ, nhiều bang miền Tây Nam lại bị nóng thiêu đốt, khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng. Thành phố Phoenix (bang Texas) trải qua 90 ngày liên tiếp có nhiệt độ trên 37 độ C. Nhiều địa điểm trên khắp Texas đã thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ vào ngày cuối tuần qua; trong đó có các thành phố Corpus Christi, San Antonio và Amarillo. Trong khi đó, nắng nóng cực đoan cũng lan tràn tại nhiều khu vực thuộc bang New Mexico.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, khoảng 14,7 triệu người vùng Tây Nam nước này đã phải sống trong khu vực cảnh báo nắng nóng cực độ, với chỉ số nóng có lúc vượt 43,3 độ C. Tại Fort Worth (Texas), hàng trăm người đã phải nhập viện cấp cứu do bị sốc nhiệt chỉ trong vòng 5 ngày (từ 19 - 24/8).
Mặc dù tình hình nắng nóng nghiêm trọng, nhưng cư dân Texas chưa được yêu cầu hạn chế sử dụng điện như những năm trước. Điều này là nhờ vào những cải thiện trong hệ thống lưới điện của bang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt.
Tại châu Á, Ấn Độ và Bangladesh là hai quốc gia chịu nhiều trận lũ trong tuần qua. Hàng trăm nghìn người ở Đông Bắc Ấn Độ và khu vực miền Đông Bangladesh bị cô lập, ít nhất 15 người đã thiệt mạng.
Giới chức bang Tripura của Ấn Độ, giáp biên giới Bangladesh, đã phải ban bố cảnh báo "đỏ" về thiên tai, đồng thời mở hơn 300 điểm tránh trú để có thể tiếp nhận hàng nghìn người sơ tán. Tại Agartala - thủ phủ bang Tripura, các hoạt động ngưng trệ.
Còn tại Bangladesh, 4 người đã thiệt mạng do lũ. Cumilla, Feni và Noakhali là những địa phương thiệt hại nặng nề nhất. Ông Mohammad Nazmul Abedin, quan chức cấp cao thuộc Bộ Quản lý và Cứu trợ thảm họa Bangladesh cho biết khoảng 2,9 triệu người bị ảnh hưởng và hơn 70.000 người đã được đưa đến các nơi tránh trú.
Cũng tại châu Á, tuần qua Chính phủ Thái Lan đã phải tăng cường các biện pháp ứng phó với lũ lụt. Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai phải triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm đối phó với tình hình lũ lụt đang diễn ra trên diện rộng ở miền Bắc nước này. Nói với truyền thông, ông Suriya Juangroongruangkit - Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết lực lượng Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã triển khai tới vùng mưa lũ để hỗ trợ người dân; đặc biệt là ở các tỉnh Chiangrai, Nan và Phayao.
Trong khi đó, hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của một số thị trấn dọc theo bờ biển Costa Blanca ở tỉnh Alicante (Tây Ban Nha). Tại Marina Alta, phía Bắc thủ phủ tỉnh Alicante, thiếu nước sạch đã buộc chính quyền phải hạn chế các hoạt động như bơm nước cho bể bơi, tưới cây trong vườn và rửa ô tô vào ban ngày.
Ông Joan Sala - thành viên thuộc nhóm các nhà bảo vệ môi trường cho biết, lượng mưa tại tỉnh Alicante chỉ bằng một nửa so với trung bình của năm ngoái và chỉ đạt 10% so với mức trung bình kể từ đầu năm đến nay. “Nhiều nơi khác mưa lũ triền miên, còn chúng tôi lại đang khô khát” - ông Sala nói.
Cháy rừng lan rộng trên đảo du lịch Madeira khiến Chính phủ Bồ Đào Nha phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ngọn lửa dữ dội bùng phát không kiểm soát nổi đe dọa nghiêm trọng đến một khu rừng nguyên sinh quý giá đã được UNESCO công nhận. Hãng thông tấn Lusa dẫn nguồn tin chính phủ cho biết, để ứng phó với tình hình khẩn cấp, Bồ Đào Nha đã kích hoạt Cơ chế Bảo vệ dân sự của EU, huy động thêm máy bay chữa cháy để tăng cường khả năng dập lửa. Tính đến ngày 25/8, lửa đã thiêu rụi hơn 4.392ha rừng ở đảo Madeira.