Xã hội

Tục đón Tết độc đáo của người Tày ở Bình Liêu

Nguyền Quý – Hoàng La 09/02/2024 07:58

Không khí đón Tết cổ truyền của bà con dân tộc Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh) đã rộn ràng ngay từ giữa tháng Chạp.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng ngày 25 đến 27 tháng Chạp, các thành viên trong gia đình ông Hà Đức Quang (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) và cả anh em họ hàng lại tụ họp nhộn nhịp bắt đầu chuẩn bị công việc gói bánh chưng, bánh coóc mò để đón Tết. Mỗi người một việc, từ trẻ con đến người lớn, người rửa lá, cắt lá dong, lá cơm lông, người vo gạo, thái ướp thịt… cũng đủ khiến cho không khí đón Tết về nhộn nhịp, tất bật mà ấm áp sum vầy.

W_o-de-goi-banh-chung-chinh-la-gao-tu-mua-com-moi-thang-10-duoc-cac-nha-giu-lai-de-danh-an-tet-nen-chiec-banh-luc-nao-cung-deo.jpg
Ngoài những nguyên liệu gói bánh chưng truyền thống như lá dong, gạo nếp, lạt buộc, thịt lợn thì bánh chưng của người Tày còn có thêm lá cơm lông. Gạo để gói bánh chưng thường là gạo từ mùa cơm mới tháng 10 được các nhà giữ lại để dành ăn Tết nên chiếc bánh lúc nào cũng dẻo thơm.

Ông Hà Đức Quang cho biết: Gói bánh chưng là hoạt động truyền thống không thể thiếu của bất cứ gia đình người Tày nào vào dịp Tết. Gạo để gói bánh chưng chính là gạo từ mùa cơm mới tháng 10 được các nhà giữ lại để dành ăn Tết, nên chiếc bánh lúc nào cũng dẻo thơm.

Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm trên 50%. Trải qua quá trình lịch sử, phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày ở Bình Liêu vẫn giữ gìn được bản sắc, nét văn hóa độc đáo.

Cùng với gói bánh chưng dài có nhân thịt lợn với lá cơm lông bình thường, một số gia đình bà con người Tày còn gói bánh chưng bố mẹ. Trong đó, bánh chưng bố là chiếc bánh dài nhân cá, biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng. Bánh mẹ là bánh tròn nhân trứng tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

W_banh-chung-me-duoc-ban-tay-kheo-leo-cua-nguoi-phu-nu-tay-lam-ra.jpg
Bánh chưng mẹ được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày làm ra.

Việc gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ đòi hỏi kĩ thuật cao và khéo léo hơn. Việc này thường do những người có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thực hiện. Đến ngày 30 Tết, chủ nhà sẽ đặt bánh chưng bố, bánh chưng mẹ lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

Theo phong tục của người Tày bao đời nay, đúng ngày 30 tháng Chạp, từ sáng sớm các gia đình mới thực hiện việc quét dọn nhà cửa, bếp núc, dọn bàn thờ, cất máy móc, nông cụ để nghỉ ngơi ăn Tết.

W_chieu-30-tet-cac-gia-dinh-se-dan-giay-do-tai-mot-so-vi-tri-trong-ngoi-nha-nhu-ban-tho-cua-chinh-cua-bep-chuong-trai-vat-dung-cay-coi....jpg
Chiều 30 Tết các gia đình dán giấy đỏ tại một số vị trí trong ngôi nhà như bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng trại, vật dụng, cây cối...

Đặc biệt, các gia đình sẽ dán giấy đỏ tại một số vị trí trong ngôi nhà như: Bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng trại, vật dụng, cây cối… với mong muốn đón những điều may mắn, tài lộc trong năm mới. Sau khi quét dọn nhà cửa xong, mỗi gia đình sẽ dựng một cây nêu dựng ngay trước cửa nhà. Với người Tày, việc dựng cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà. sau đó mới tất bật sửa soạn mâm cơm cúng.

W_nguoi-tay-lay-vo-cay-dau-buoc-lay-mot-so-hon-da-mang-ve-theo-mong-uoc-nuoi-duoc-trau-bo-day-chuong-lon-ga-chat-san.jpg
Người Tày lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân...

Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tất niên tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Khi nghi lễ cúng được hoàn tất, các thành viên trong gia đình quây quần thưởng thức bữa cơm tất niên.

W_ao-uoc-vong-dau-xuan-ve-cuoc-song-them-no-am-du-day-la-nhung-net-phong-tuc-truyen-thong-dep-duoc-gin-giu-luu-truyen-ngan-doi.jpg
Tết của đồng bào dân tộc Tày Bình Liêu đầm ấm, yên vui mà bình dị, gửi gắm biết bao ước vọng đầu xuân về cuộc sống thêm no ấm, đủ đầy, là những nét phong tục truyền thống đẹp được gìn giữ, lưu truyền ngàn đời.

Cùng với mâm cơm cúng trên bàn thờ gia tiên, người Tày còn sắp mâm cúng thần Bếp với những món ăn như: Thịt lợn luộc hoặc thịt gà, bánh chưng, rượu… Trong quan niệm của người Tày, thần Bếp mang ý nghĩa linh thiêng. Thần Bếp trú ngụ ở nơi bếp đun nấu của mọi nhà, chứng kiến mọi sinh hoạt của từng thành viên, là nơi gắn kết các thế hệ trong gia đình. Cuối năm, vị thần này sẽ tổng hợp các việc làm trong cả năm của từng gia đình để báo lên Ngọc Hoàng.

Vì vậy, không chỉ Tết đến, mà hằng ngày bếp luôn là nơi phải được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, việc cúng thần Bếp còn được thực hiện vào ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng để thần Bếp sẽ luôn giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.

W_nuoc-sau-khi-lay-xong-se-duoc-ganh-ve-nha-khi-ve-mang-theo-ca-hon-da-duoc-buoc-vao-vo-cay-dau.jpg
Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đầu năm đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được mát mẻ như suối đầu nguồn.

Ngày đầu tiên của năm mới, người Tày có truyền thống đi lấy nước đầu năm. Lễ vật cho nghi lễ lấy nước - nghi lễ quan trọng nhất mỗi dịp đầu năm của người Tày được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị từ đêm 30, gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Sớm mùng 1 Tết, xóm làng không ai bảo ai đều dậy sớm, xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt và chân tay.

W_ong-nguoi-lay-nuoc-se-noi-_lay-nuoc-huong-nam-khong-lam-cung-giau-co-lay-nuoc-huong-dong-an-sung-mac-suong_-roi-muc-lay-nuoc.jpg
Tại điểm lấy nước, sau khi chọn được hướng nước chảy, cắm cành hoa dâu, cắm hương, người lấy nước sẽ nói: “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”… rồi múc lấy nước

Bà Hoàng Thị Ninh (thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn), kể: Tại điểm lấy nước, sau khi chọn được hướng nước chảy, cắm cành hoa dâu, cắm hương, người lấy nước sẽ nói “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng.

W_nguoi-tay-quan-niem-nuoc-suoi-la-thu-nuoc-mat-lanh-trong-sach-dem-ve-rua-mat-chan-tay-thi-ca-nam-se-duoc-mat-me-nhu-suoi-dau-nguon..jpg
Nước sau khi lấy xong sẽ được gánh về nhà, khi về mang theo cả hòn đá được buộc vào vỏ cây dâu.

Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được mát mẻ như suối đầu nguồn. Trên đường trở về nhà, người ta lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân và xin một vài cành lộc nho nhỏ. Mọi người tin rằng tiền của theo đó mà về dồi dào.

Ngày mùng 1 Tết, người Tày kiêng ra khỏi nhà, kiêng đến nhà người khác để tránh mọi rủi ro song có thể đi lễ ở đình Lục Nà, đến các nhà văn hóa thôn, bản để cùng vui chơi, chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và chúc cho năm mới sẽ có nhiều may mắn.

W_som-mung-1-tet-xom-lang-khong-ai-bao-ai-deu-day-som-xuong-suoi-de-lay-nuoc-mang-ve-rua-mat-va-chan-tay.jpg
Sớm mùng 1 Tết, xóm làng không ai bảo ai đều dậy sớm, xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt và chân tay.

Bắt đầu từ mùng 2 Tết, con cháu sẽ sang nhà hai bên nội, ngoại để chúc Tết. Lễ mang theo gồm gà trống thiến, bánh chưng, chai rượu, bánh kẹo, hoa quả làm quà Tết.

W_nhung-nguoi-phu-nu-tay-tap-trung-goi-banh-chung-tet.jpg
Những người phụ nữ Tày tập trung gói bánh chưng Tết.

Giữa sắc xuân tràn ngập khắp các bản làng, người người hòa mình trong những trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng như: Tung còn, đánh quay, kéo co, đẩy gậy… Đâu đó, tiếng hát Then - đàn Tính mùa xuân ngọt ngào, đắm say như lời tâm tình của người Tày. Họ cất lên tiếng hát, tiếng đàn để quên đi những vất vả, lo toan đời thường, đắm mình trong làn điệu dân ca quê hương để gửi gắm tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, quê hương, tình đoàn kết cộng đồng và mong ước những điều tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tục đón Tết độc đáo của người Tày ở Bình Liêu