Tục nhập họ để bình quyền của người Pà Thẻn

My Bắc 10/10/2017 09:00

Hiện trên nước ta, dân tộc Pà Thẻn gần 7.000 người, sống tập trung ở 1 số xã thuộc 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc nhiều tập tục đáng quý, trong đó có tục nhập họ để tạo sự bình quyền cho giới nữ. Nhờ tập tục này mà phụ nữ người Pà Thẻn luôn được tôn vinh, để từ đó giúp đời sống của các cộng đồng dân cư người Pà Thẻn thuận hòa, yên ấm từ phía gia đình ra đến ngoài xã hội.


Trẻ em và phụ nữ người Pà Thẻn bao giờ cũng được tôn trọng.

Trong cộng đồng các anh em dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta, nói đến người Pà Thẻn là nói đến một dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần hết sức độc đáo và giàu bản sắc. Bên cạnh các tục như nhẩy lửa, cơm mới thì phải kể đến tập tục nhập họ cho con dâu của người Pà Thẻn. Chính do tập tục nhập họ này mà họ của người Pà Thẻn luôn được bảo tồn và không bao giờ sợ mất họ, mất người hương khói và xóa bỏ cơ bản tập tục “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng.

Cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc. Theo truyền thống, trai gái Pà Thẻn tìm hiểu nhau, khi gặp mặt, không phân biệt trai đến nhà gái trước hay gái đến nhà trai trước. Nếu bên trai đến trước thì họ phải xin phép hộ gia đình nào đó trong làng cho phép được tìm hiểu tại gia đình đó. Khi đi, nếu bên trai có 2 người thì bên gái phải bố trí 3 người và ngược lại, nhưng 3 trai không được trùng họ với nhau và 2 gái cũng không được trùng họ nhau.

Gia đình có người đến ngỏ lời, nói chuyện trăm năm sẽ chủ động chuẩn bị cho một chiếc ghế dài và củi đốt cho trai gái tìm hiểu. Sau bữa tối gia đình đi ngủ nhường lại bếp lửa cho thanh niên, trên một chiếc ghế băng dài từng cặp ngồi xen kẽ sao cho mỗi cặp trai và gái không được trùng họ. Sau một thời gian tìm hiểu, nếu hợp nhau, họ sẽ thông báo cho gia đình tổ chức lễ cưới.

Khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Trước khi nhà trai tới rước dâu đêm hôm trước, nhà gái cúng một đêm để cắt họ. Hôm sau, khi nhà trai rước dâu thì nhà trai cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ. Cô dâu phải dùng khăn che mặt, ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ ra.

Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng từ xa xưa. Họ đã có một lời nguyện thề, nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi. Chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn, kể cả khi lấy vợ sinh con mà không có người nối dõi (con trai) vẫn không được phép đi lấy vợ khác.

Người Pà Thẻn khi kết hôn, con gái đi lấy chồng bao giờ cũng được cúng cắt họ và nhập họ nhà chồng. Nhờ tập tục và có sự trao đổi họ này mà người phụ nữ đi lấy chồng đã được nhà chồng đưa vào vị trí tôn vinh, như người của dòng họ và được bàn mọi chuyện lớn lao trong gia đình. Cũng nhờ tục cắt và nhập họ này mà họ của nhà trai cũng như nhà gái luôn được bảo tồn vĩnh viễn.

Chính tập tục riêng có cắt nhập và chuyển họ theo quy định này mà người phụ nữ Pà Thẻn bất kì từ đâu đến, làm dâu một gia đình và sống trong một cộng đồng nào đó nhờ tập tục này mà họ trở thành người của miền đất đấy. Không có khái niệm xa lạ, không có khái niệm lạc lõng hay yếu thế với vùng đất mình đến làm dâu. Và cũng nhờ tập tục này nên người Pà Thẻn đã không có khái niệm sinh con trai hay con gái mới là quan trọng. Vì trai gái sau này lớn lên, trưởng thành, xây dựng gia đình sẽ không sợ bị mất họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tục nhập họ để bình quyền của người Pà Thẻn