Văn hóa

Tưng bừng lễ hội mùa Xuân

Nhóm Phóng viên 19/02/2024 07:15

Thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%); 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%); 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%); 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%); lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng mùa Xuân luôn được coi là mùa của lễ hội. Lễ hội mùa Xuân năm nay đã bắt đầu.

cover.jpg
Rước rồng trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội. Một số lễ hội lớn thu hút đông đảo khách thập phương tham gia như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức); Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn); Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh); Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); Lễ hội Láng; Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)...

Hà Nội chuẩn bị tốt nhất cho mùa lễ hội Xuân 2024

Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay đã diễn ra từ ngày 14 - 16/2 (mùng 5 đến mùng 7 năm Giáp Thìn). Đông đảo người dân tham dự lễ hội đều bày tỏ niềm hân hoan. Các nghi lễ như lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương đảm bảo tính truyền thống. Phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian.

Bà Đặng Thị Mai - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa cho biết, để bảo đảm không khí vui tươi, năm nay không có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên lễ hội.

Còn tại Sóc Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tống Giang Phúc cho biết, đối với lễ hội Gióng đền Sóc năm nay, có điểm mới với quan điểm phần hội là của người dân và dành phần nhiều cho sự tham gia của nhân dân. Toàn bộ khu vực 2 của đền Gióng trở thành nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội, nơi diễn ra các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa, hoạt động văn nghệ hát dân ca với sự tham gia của người dân các thôn làng, các xã. Lễ hội năm nay có 9 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người.

Với 98 lễ hội trên địa bàn, trong đó 83 lễ hội diễn ra trong mùa Xuân, huyện Đông Anh là một trong những địa phương có nhiều lễ hội của Hà Nội. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn và cam kết thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng quy định.

Với Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Ban Tổ chức lễ hội đã sớm chuẩn bị về cơ sở vật chất, trong đó có 8 thôn làng chuẩn bị các lễ vật, lễ phẩm…

Tuy nhiên, lớn nhất ở Hà Nội là lễ hội chùa Hương. Năm nay lễ hội diễn ra từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23/3 năm Giáp Thìn). Khai hội được tổ chức vào ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức lễ hội, để tránh tình trạng ách tắc, quá tải, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông, 4 bến xe có sức chứa 5.000 khách; nếu quá tải thì có những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.

Lãnh đạo UBND xã Hương Sơn cho biết, có 3.800 - 4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách như: Lắp đủ ghế ngồi, đủ áo phao, wifi, ô che…

Sau những ngày đầu lễ hội chùa Hương cho thấy tình hình thuận lợi, người dân tham gia lễ hội rất hài lòng.

Vui Xuân ở vùng cao Xứ Lạng

Với tỉnh biên giới phía Bắc, Lạng Sơn, sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hàng năm toàn tỉnh có hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau. Ngay sau Tết Nguyên đán là lễ hội lồng tồng Pác Moòng (ngày 5 tháng Giêng) ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Du khách còn gọi Pác Moòng là “hội mía” vì theo quan niệm của nhiều người, đầu năm đi hội ăn mía, mua mía về nhà sẽ có được nhiều ngọt lành đến với bản thân, bạn bè và người thân trong suốt cả năm.

Lễ hội Pác Moòng năm nay bán được nhiều mía hơn các mùa lễ lễ trước, người dân phấn khởi.

Hôm nay, mùng 10 tháng Giêng tại Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) có lễ hội đền Mẫu. Lễ hội nhằm ngày nghỉ (Chủ nhật) cộng với thời tiết khá ấm áp, không mưa rất thuận lợi cho du khách du xuân, vãn cảnh. Đặc biệt, tại lễ hội còn có một nét đẹp đã tồn tại nhiều năm qua, đó là du khách Trung Quốc thường mua những cành hoa tươi đẹp mắt như hoa hồng, hoa cúc về làm cành lộc lấy may.

Ở thành phố Lạng Sơn còn có lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng, diễn ra từ 22 - 27 tháng Giêng. Theo tập quán, người dân trong vùng thường sắm lễ lên đền nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thánh thần đã có công giúp dân, giúp nước, xây dựng quê hương giàu đẹp. Qua đó, thể hiện và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng thêm bền chặt, gắn bó. Trong chương trình lễ hội có nghi lễ rước kiệu trên các đường phố giữa đền Tả Phủ và đền Kỳ Cùng luôn được nhân dân, du khách hồ hởi chào đón. Dọc hai bên đường, người dân bày lễ rất tươm tất trước cửa nhà để nghênh đón đoàn rước kiệu.

anhbaitren89.jpg
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội làng Mọc (Hà Nội). Nguồn: MIA.VN.

Ở nơi “dày đặc” lễ hội

Cùng với các địa phương trong vả nước, tỉnh Nam Định là vùng đất của lễ hội, với khoảng 100 lễ hội Xuân được tổ chức với mật độ dày đặc từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tập trung ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng.

Thời gian diễn ra các lễ hội Xuân thường từ 2 đến 3 ngày, có khi kéo dài 5 ngày. Các lễ hội thường tổ chức vào ngày sinh, ngày kỵ của các thành hoàng, tổ nghề, các vị thánh, vị vua, danh tướng, danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước.

Trong đó, lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội lớn của đất nước, hàng năm ước tính hàng chục vạn người tham dự. Theo truyền thống, vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng, các cụ cao niên phường Lộc Vượng tổ chức đoàn rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần sang Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và long trọng làm lễ Khai ấn.

Còn với nhiều người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội Chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã là lễ hội chung, được tổ chức vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng Giêng năm nay. Ngay từ chiều mùng 7 tháng Giêng, dòng người từ khắp nơi đã đổ về chợ Viềng để mua bán, lễ lạt cầu tài lộc. Điều đặc biệt là sáng rạng ngày mùng 8 Tết là “cao điểm” của Chợ Viềng. Đây là phiên chợ độc đáo, thể hiện phong tục văn hóa tín ngưỡng đậm nét của cư dân nông nghiệp, mỗi năm chợ chỉ họp một phiên. Chợ Viềng khác lạ ở chỗ chủ yếu bày bán các loại nông cụ, các loại cây trồng và đồ cổ, đồ cũ. Người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả với ý niệm "mua may bán rủi".

Ông Đỗ Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội chợ Viềng cho biết, năm nay dù người dân tham dự rất đông nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông.

Về An Giang thăm miếu Bà Chúa Xứ

Tại phía Nam, Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã trở thành điểm hẹn trẩy hội của hàng triệu du khách thập phương. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn, thực hành qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc và sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế. Tượng Bà cao khoảng 1,65m; dáng ngồi quý phái, vương giả; chất liệu tượng bằng đá son được tạc vào cuối thế kỷ VI.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội có thời gian kéo dài nhất, nhì cả nước (từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 4 âm lịch hằng năm). Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, với lễ Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà; lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân; lễ Túc yết; lễ Xây chầu; lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Trong đó, lễ Túc yết và lễ Xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng sáng 26/4 (âm lịch) là lễ chính.

Theo ông Thái Công Nô - nguyên Phó trưởng Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, những người được chọn trong ban chánh tế phải ngoài 60 tuổi, có sức khỏe tốt, còn đủ vợ chồng, không tang chế, con cái đông đủ (đủ trai và gái) và hơn hết phải có đạo đức tốt. Vào đêm 23 rạng sáng 24/4, lễ Tắm Bà được tiến hành theo nghi thức trang trọng. Tượng Bà sẽ được lau bằng nước thơm, thay y phục mới; y phục cũ sẽ được cắt nhỏ và ban cho khách trẩy hội như "lộc Bà" để cầu an và may mắn.

Sau đó, đúng 15 giờ cùng ngày 24/4, các bô lão trong làng và Ban Quản trị miếu Bà lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu làm lễ thỉnh sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại về miếu Bà để tưởng nhớ người có công lớn trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, đào kênh đắp đường, xây dựng và bảo vệ vùng đất mới.

“Bà Chúa Xứ hay ông Thoại Ngọc Hầu là những người có công với nước, là những người thương yêu dân, nên đời đời được người dân truyền tụng” - ông Nô nói.

Theo học giả, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Lan Songrit Pongern, Việt Nam có một nền văn hóa rất đẹp và phong phú. Sự đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam còn thể hiện ở sự phong phú về các tập tục, truyền thống trong các lễ hội. Đến Bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), ông Songrit ấn tượng sâu sắc với khung cảnh tuyệt đẹp và bầu không khí trong lành, hồ nước trong xanh bao quanh bởi những dãy núi và đặc biệt là những cánh đồng lúa xanh rì. “Thật hạnh phúc khi được vui vẻ khi cùng người dân nhảy múa trong tiếng trống, tiếng chiêng” - ông Songrit nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưng bừng lễ hội mùa Xuân