Để người lao động từng bước an cư, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, rất cần Công đoàn Việt Nam cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, từ đó giúp công nhân lao động có những mái ấm thực sự ý nghĩa.
Qua khảo sát của tổ chức Công đoàn cho thấy, số công nhân, lao động có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội không nhiều, phần lớn có nhu cầu thuê chỗ ở tiện nghi, sạch sẽ, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh để họ yên tâm tăng ca sản xuất. Trước thực tế đó, đa số cán bộ Công đoàn, người lao động đều rất đồng tình bởi nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất lớn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố tập trung đông người lao động nhập cư nhưng không có khả năng tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo ông Trịnh Văn Bừng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hà Nam, mới đây, dự án xây dựng thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã hoàn thành giai đoạn I, với 5 khu nhà cao tầng có diện tích xây dựng 2.715m2, gồm nhiều căn hộ cho thuê. Nhà ở khu vực này sạch sẽ, không gian thoáng đãng, gần chợ, trường học, giá thuê phải chăng nên nhiều công nhân đã lựa chọn thuê trọ. Trước thực tế đó, Công đoàn tỉnh đã tham mưu cho tỉnh Hà Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung đông công nhân và người lao động; tham mưu xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân. Đây là một trong những giải pháp tạo môi trường thuận lợi để thu hút, giữ người lao động đến làm việc, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho người lao động. Theo khảo sát của Công đoàn tỉnh Đồng Nai, người lao động đang sống trong các phòng trọ chật chội, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều người lao động, nhất là lao động có thu nhập thấp đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội để họ có thể mua căn hộ trả góp, phù hợp thu nhập.
“Nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Đồng Nai rất lớn, song số lượng nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho người lao động thu nhập thấp lại thiếu. Do đó, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động; trong đó có việc chăm lo đến nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước...” - bà Ý cho biết.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho rằng, khi tổ chức Công đoàn làm chủ đầu tư, công nhân sẽ tin tưởng và Công đoàn sẽ tổ chức khảo sát để xây dựng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân. Công đoàn Việt Nam xây xong nhà ở xã hội là để cho thuê chứ không phải bán, phù hợp tình hình thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, vì qua khảo sát, số công nhân đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội không nhiều. Nếu tổ chức Công đoàn Việt Nam được đứng ra đầu tư, xây dựng sẽ đáp ứng được các thiết chế đi kèm như: Trường học, nhà văn hóa, siêu thị Công đoàn, tạo sự gắn kết và phục vụ tối đa cho đoàn viên, người lao động.
Ông Bùi Hoài Nam - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo số liệu mới nhất của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2025 sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, thực tế các dự án nhà ở xã hội đang rất ít. Khi có dự án ở tỉnh thì hồ sơ đăng ký vượt xa số lượng sản phẩm, một số dự án đô thị thậm chí còn chưa rà soát, bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Thực ra đây là vấn đề không chỉ riêng Khánh Hòa mà ở tất cả đô thị lớn, các vùng sản xuất tập trung trên cả nước. Trong khi số đông người lao động có thu nhập chưa cao, do vậy họ phải sống ở khu nhà trọ chật hẹp, xuống cấp nên người lao động rất trông chờ vào việc này.
Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà ở công nhân, người lao động tại khu nhà ở xã hội có sự tham gia đầu tư của tổ chức Công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, khi thực hiện việc này Công đoàn Việt Nam sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội để cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn tài chính Công đoàn. Nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư để cho thuê được quản lý vận hành như hình thức nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư. Khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở và khi đó người lao động sẽ được thuê những căn hộ có giá rẻ hơn so với thị trường bên ngoài.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi xây dựng nhà ở xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao trong khu, tạo ra một nơi ở có môi trường tốt, giúp người lao động tái tạo sức lao động tốt hơn, trong khi các khu nhà ở xã hội khác ít quan tâm đến các khu văn hóa thể thao hay khu cộng đồng.