Mặt trận

Từng bước phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bảo Châu 19/09/2024 12:26

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

b5b84355-45c8-4c54-902d-140eb806ebab.jpeg
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Hoàng Oanh

Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và 3 huyện, thị xã có đồng bào DTTS sinh sống gồm: Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà. Trong những năm qua, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững trong vùng DTTS và miền núi như: Các chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách khác để tạo thêm nguồn lực trợ giúp các thôn, bản đặc biệt khó khăn cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân…

Đặc biệt, tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 9,84%. Riêng huyện A Lưới giảm 12,08%. Trong đó, địa phương đã đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non; kênh mương, đập thủy lợi. Bên cạnh đó, giải quyết khoảng 60% số hộ di cư tự do, hộ sinh sống trong khu vực bị sạt lở, lũ quét; xây dựng 2 làng văn hóa các DTTS tại huyện A Lưới và Nam Đông.

dsffdsfdsfsdfdf.jpeg
Giám sát các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Bạch Châu

Ngoài tổ chức xây dựng các công trình dân sinh để phát triển kinh tế cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị phụ trách thực thi các chính sách dân tộc của tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà…Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, để triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương đúng tiến độ và đạt hiệu quả, ngoài việc tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình cũng cần tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhờ thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, đến nay, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo được nâng lên.

“Để thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm từng bước phát triển toàn diện, vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo để phong trào thi đua ngày càng phát triển rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, ông Thanh Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số