Trong đêm trao giải thưởng Cống hiến 2023, ca sĩ Tùng Dương lại một lần nữa được xướng lên ở hạng mục Nam ca sĩ của năm. 13 lần sở hữu giải Cống hiến do các nhà báo bình chọn cho thấy Tùng Dương là cái bóng khó ai vượt qua hay với sự chững lại của thị trường âm nhạc khi vẫn chỉ Tùng Dương đủ sức bền?
Từng “ẵm” 3 giải Cống hiến vào năm Covid-19
Tùng Dương không có mặt trong đêm trao giải. Ngay sau đó, anh khoe giải thưởng trên trang cá nhân và tiết lộ rằng sau 20 năm, kể từ Giải tiền Cống hiến và Giải Cống hiến mùa đầu tiên, đến 2023, anh vẫn đạt giải Cống hiến ở hạng mục Nam ca sĩ của năm, điều đó chỉ chứng tỏ rằng “tôi vẫn hợp thời”.
13 giải Cống hiến của Tùng Dương
- Album của năm: “Những ô màu khối lập phương” (2008), “Li ti" (2011), “Human" (2021).
- Chương trình của năm: “Độc đạo" (2014), “Thập kỷ hoan ca" (2016), "Human" (2021).
- Bài hát của năm: “Chiếc khăn piêu” (2013).
- Ca sĩ của năm/Nam ca sĩ của năm: 2005, 2011, 2012, 2014, 2021, 2023.
Tuy nhiên, Tùng Dương cũng thừa nhận, có một phần là ca sĩ vốn có duyên với giải Cống hiến, nếu không thì đã không có nhiều lần được vinh danh. Mặc dù vậy, “không chỉ là cứ lên bục nhận giải là xong, nếu nhìn lại hành trình đoạt giải của tôi từ "tiền" Cống hiến 2005 đến nay - ca sĩ trải lòng.
Là nghệ sĩ khiêm tốn nói vậy, chứ công bằng thừa nhận, trong suốt 20 năm qua, Tùng Dương là cái tên sáng một cách bền bỉ. Chẳng cứ chỉ là ở danh hiệu divo duy nhất của làng nhạc Việt mà giới chuyên môn và báo chí vinh danh cho một giọng ca nam, trong khi ngần ấy năm, có độ 5-6 nữ nghệ sĩ được tôn xưng là diva.
Khi tôi hỏi Tùng Dương qua 20 năm ca hát, thời kỳ nào anh từ thấy mình “vinh quang rực rỡ nhất”, divo bảo rằng rất khó nói, bởi vì thời kỳ nào anh cũng... bứt phá. Thậm chí cả vào những năm Covid-19, Tùng Dương vẫn lĩnh 3 Giải thưởng Cống hiến cho Chương trình của năm, Ca sĩ của năm và Album của năm, tức là năm 2021 Covid-19 đầy khó khăn ấy thì Dương lại được nhiều giải nhất.
Đáng nói là không phải chỉ dân gian đương đại, dòng nhạc khiến Dương vụt sáng buổi đầu tiên, mà ngay cả khi bén duyên với nhạc rock, chính là với album "Human", đã đem đến cho Dương 3 giải Cống hiến như vừa kể trên. “Thế là với rock, Dương có thể còn thăng hoa hơn so với dân ca đương đại” - Tùng Dương cười vui.
Nói vậy thôi, chứ tôi biết trong thẳm sâu, divo vẫn coi dân gian đương đại là cột mốc rất quan trọng. Nó có thể không phải là cột mốc duy nhất, nhưng nó là cột mốc đầu tiên và nó khiến Dương vẫn là cái tên nam ca sĩ sáng giá đến bây giờ.
Có lần Tùng Dương từng chia sẻ: “Dân gian nằm trong bản thể của tôi, tôi lúc nào cũng đủ tình yêu quê hương đất nước một cách rộng lớn bao la, để tôi hát về tình yêu tha thiết với quê hương đất nước bằng những bài hát dân gian đương đại”. Những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn và cả bản phối mới “Chiếc khăn piêu”... vẫn là những ca khúc của Tùng Dương được biết đến rộng rãi nhất và được yêu quý nhất, đi đến đâu cũng được chào đón, được yêu cầu hát.
Có sự nhân văn, người nghệ sĩ mới hát hay và lâu dài
Những năm qua, có nhiều nam ca sĩ xuất hiện, vụt sáng thành ngôi sao, được giới trẻ hâm mộ, nhưng công bằng mà nói thì Tùng Dương vẫn là nam ca sĩ giữ được phong độ trong làng nhạc.
Điều gì tạo nên độ bền của giọng hát Tùng Dương?
- Như lời một ca khúc mà Dương đã từng hát “Có một giống chim thật lạ lùng, đâm vào cây gai nhọn để hót cho mình một lần bài ca phiêu lãng”. Càng trưởng thành, con người ta đều thấm thía những dư vị của đời sống. Có hạnh phúc, khổ đau, tan vỡ… để rồi ta quyết định đi tìm lý tưởng và giá trị cao đẹp cho chính mình. Với Dương được tự do bay bổng không giới hạn trong không gian nghệ thuật của mình sẽ giúp cho mình có cái nhìn luôn mở, phóng khoáng. Dương có cách đón nhận nỗi đau, thất bại nếu nó tới với mình một ngày nào đó. Dương cảm nhận sâu sắc nhất những điều bình dị đang diễn ra xung quanh như lúc mình thở, sống chậm nhịp sống để tìm kiếm sự tinh tế. Nó luôn thường trực trong bản thể mỗi con người, chỉ có điều ta khơi dậy nó bằng cách nào, hay trong Phật pháp, có chữ “giác ngộ “, và trên con đường độc đạo thênh thang của người nghệ sĩ, không điều gì ngăn cản giới hạn họ suy tưởng và sáng tạo. Sâu thẳm trong con người nghệ sĩ chính là sự nhân văn. Có sự nhân văn người nghệ sĩ mới hát hay và lâu dài được …
Trời cho anh bao nhiêu phần, còn bao nhiêu là nhờ kiến tạo mà thành?
- Trời không cho mình cái này nhưng sẽ lại bù đắp cho mình cái khác… Bản năng nghệ sĩ nếu không được nuôi dưỡng sẽ không lớn mạnh, hoàn thiện và phát triển so với chính mình… Ông trời cho ta giọng hát, nhưng không vì thế mà ta lơ là chủ quan, mà càng phải biết trân quý và thấy rằng giọng hát là thế mạnh, là năng lực của mình, nhưng cũng vì thế mà lại hạn chế đi cái khác. Có nhiều yếu tố để tạo nên cái vóc của một nghệ sĩ.
Nghĩa là không phải chỉ có chất giọng mà thành ca sĩ?
- Đúng! Dương đang muốn nói đến “cái vóc” của ca sĩ. Hát hay thôi chưa đủ, đạt tới mỹ cảm với sự cộng hưởng từ khán giả đã khó rồi, thì việc cho thấy mình là ai, suy nghĩ của mình thế nào? Câu trả lời ấy không phải ai cũng tự tin trả lời được nếu không vẽ ra được chân dung, cái vóc của mình. Mà cái vóc ở đây chính là tư tưởng nằm sau giọng hát của người ca sĩ.
Anh có cảm xúc gì khi hát lại các bài hát cũ bằng những bản phối mới?
- Trong con đường của mình, Dương luôn ý thức được trọng trách ấy: bên cạnh sứ mệnh sáng tạo thì sứ mệnh gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị của người xưa để lại. Những nhạc sĩ, tác giả lớn của Việt Nam, họ là những người đã vẽ ra thành công cho mình cái vóc ấy - Họ thực sự là những người lớn… Chính vì cái bóng quá lớn đó đã trở thành thách thức cho thế hệ sau … Mỗi thời có thể có những đổi thay, nhưng luôn có chung một chân lý cho nghệ sĩ đó là “khao khát được sáng tạo”. Và vì thế, Dương hát nhạc cách mạng kháng chiến với tâm thế của tuổi trẻ. Đầy mãnh liệt, khát vọng và hào sảng với tinh thần nối tiếp cha anh mình.
Nền tảng của sự sáng tạo luôn là một phần kế thừa và phát huy. Tâm thế khác nhau nhưng vẫn luôn có sự kết nối truyền lửa ấy từ các thế hệ. Dương luôn hát bằng sự tự hào và lòng yêu quê hương đất nước da diết.
Cái tên Tùng Dương được xướng lên nhiều nhất ở giải Cống hiến và vẫn “ăn khách” đang chứng tỏ điều gì?
- Hãy nhìn những ca sĩ trẻ đang "hot" với lượng fan đông đảo gấp rất nhiều so với lượng fan của Tùng Dương. Nhưng Dương luôn tự tin rằng âm nhạc của mình luôn tìm được sự đồng cảm chia sẻ ở một bộ phận công chúng mà ở đó, họ chọn cho mình cách biểu cảm với “thần tượng” đúng mực. Họ dành cho Dương sự dõi theo mà Dương rất tự hào, lượng khán giả chất lượng. Nhưng có một điều mà Dương chắc chắn rằng “fan của Dương đều là những người rất sâu sắc và từng trải” . Vì Dương được lắng nghe cảm nhận của họ, rồi nghe họ phân tích nghệ thuật ở nhiều góc độ. Bạn thích người đó hát, nhưng cũng phải biết họ đáng thích ở điểm gì, và tìm được những giá trị gì khi nghe ca sĩ ấy hát.
Do vậy tôi và các fan hiểu nhau lắm, mối quan hệ này rất khăng khít cho dù tôi không tổ chức họp fan rầm rộ như các đồng nghiệp khác. Nhưng khi nào Dương cũng cảm thấy họ luôn bên mình bất cứ lúc nào. Đặc biệt qua mỗi liveshow, gương mặt rạng ngời hân hoan hay sự cảm nhận từng lời hát của khán giả tiếp sức cho Dương rất nhiều. Năng lượng tái tạo cũng một phần từ những khán giả yêu quý mà ra.
Cảm ơn Tùng Dương đã chia sẻ, nhưng nói gì thì nói, 13 giải Cống hiến là quá nhiều?
- Ở giải thưởng Cống hiến, với góc nhìn của báo chí, tôi thấy họ luôn có những nhận định sâu sát và công bằng với các nghệ sĩ dù họ đang hướng mình tới tính giải trí hay nghệ thuật. Thực sự năm nay có rất nhiều nghệ sĩ trẻ đạt được nhiều thành công trong bảng đề cử Nam ca sĩ của năm. Được xếp cùng bảng đề cử với họ, tôi cũng rất vinh dự.