Công an TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, hành vi tung tin giả, sai sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Công an TP Thủ Đức, thời gian qua trên địa bàn có xảy ra một số vụ mà đối tượng có hành vi tung tin giả, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Do đó, Công an khuyến cáo người dân cần đặc biệt cảnh giác, nhất là với các thông tin trên mạng xã hội.
Mặc dù mặt tích cực là mạng xã hội giúp cập nhật các thông tin nhanh chóng, tuy nhiên là môi trường thường xuyên xuất hiện những thông tin giả, sai sự thật về vaccine, điều trị bệnh hoặc lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố.
Để phân biệt tin giả và tin chính thống, Công an Thủ Đức khuyến cáo người dân nên đọc hoặc xem thông tin từ các kênh tin cậy, đã được kiểm chứng. Đồng thời, tuyệt nhiên không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, dẫn đến vô tình tiếp tay cho các hoạt động xuyên tạc, chống phá của thế lực thù địch.
Một trường hợp cụ thể đã bị xử lý hình sự là ông Phan Hữu Điệp Anh (51 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) có hành vi đăng tải lên mạng xã hội Facebook hình ảnh sai sự thật về một người đàn ông trung niên tự thiêu tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức và kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch COVID-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”.
Sau đó, người đàn ông này đã bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Trước đó, Công an TP Thủ Đức cũng đã điều tra và bắt giữ một đối tượng giả mạo công an, đăng bài lên Facebook kích động người dân.
Đối tượng là Phan Phi Toàn (sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình) lấy tên tài khoản “Không Tên” có hành vi đăng tải bài viết trên nhóm facebook “Chợ Tăng Nhơn Phú A” với nội dung không đúng sự thật liên quan công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Đối với các trường hợp có hành vi tung tin giả, Công an TP Thủ Đức cho biết, hiện nay mức cao nhất sẽ xử lý hình sự. Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, gây dư luận xấu sẽ bị xử lý theo Điều 288 BLHS, với hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
Trường hợp có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mặt đời tư, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia chống dịch, người mắc bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh sẽ bị xử lý về tội làm nhục người khác, với mức phạt từ cao nhất là 5 năm tù giam.