Xã hội

Tưởng nhớ Giáo sư Võ Tòng Xuân: Giã từ một người bạn

Nguyễn Ngọc Trân 21/08/2024 06:48

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang, ông là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam, là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

anh-bai-tren(1).jpg
GS Võ Tòng Xuân (bên phải) nhận được sự yêu mến của những người nông dân Việt Nam. Ảnh tư liệu.

GS Võ Tòng Xuân và tôi có rất nhiều điểm chung: cùng quê An Giang, cùng năm sinh 1940, cùng được phong Giáo sư tháng 5/1980, cùng là đại biểu Quốc hội khóa IX. Những kỷ niệm chung rất nhiều, trải dài qua kênh rạch và những cánh đồng phèn nặng ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và rừng U Minh khi mà những nơi này còn hoang vắng, mênh mông những cánh đồng nắng vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980.

Nhưng điều chung nhất làm chúng tôi gần nhau, hiểu và quý nhau đó là mong muốn cho đất nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sớm giàu lên, người dân ấm no hạnh phúc và trình độ văn hóa ngày một nâng cao.

Điều này đã được phát huy khi chúng tôi cùng tham gia Ban Chủ nhiệm Chương trình nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990). GS Xuân, PGS Hồ Chín, các GS Trần Kim Thạch, Phùng Trung Ngân, nhiều nhà khoa học trẻ và sinh viên các viện, trường đại học vào cuộc.

Ý tưởng bao trùm là từ những yếu tố địa chất địa mạo, thổ nhưỡng, thủy văn, sinh khí hậu và các yếu tố kinh tế - xã hội tổng hợp lại khai thác tài nguyên đồng bằng theo sinh thái. Báo cáo tổng hợp của Chương trình vì vậy mang tên “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên - Môi trường - Phát triển”.

Tháng 11/1981, sau đoàn đầu tiên của GS Nguyễn Văn Hiệu năm 1980, GS Xuân và tôi được tổ chức phi chính phủ Ủy ban Hoa Kỳ hợp tác khoa học với Việt Nam mời sang trao đổi với các nhà khoa học Mỹ.

Ngành nghề khác nhau, tôi về Toán Cơ Tin học, GS Xuân về Nông nghiệp, chúng tôi đi theo hai tuyến khác nhau, vài ba hôm mới gặp lại nhau để đạt hiệu quả cao nhất có thể. Đó là ngoài nội dung khoa học, thể hiện quyết tâm của các nhà khoa học Việt Nam xây dựng đất nước, và dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là điều đúng đắn cần làm.

Sau chuyến đi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã gọi chúng tôi đến thăm hỏi về kết quả chuyến công tác, dư luận Mỹ nói chung, trong giới khoa học, trong xã hội và trong chính giới, và về cuộc sống của người Việt mới sang, với sự quan tâm thân thiết đã động viên hai anh em chúng tôi rất nhiều…

GS Võ Tòng Xuân vẫn sẽ mãi là một người bạn, một đồng chí thân thiết của tôi.

GS Võ Tòng Xuân qua đời vào sáng ngày 19/8 tại TPHCM. Ngày 20/8, nhiều cơ quan, đoàn thể và các cá nhân đã đến viếng GS Võ Tòng Xuân tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Trong sự nghiệp của mình, GS Võ Tòng Xuân nhận nhiều giải thưởng, huân chương cao quý. Cuối năm 2023 ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải VinFuture với công trình Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh. GS Võ Tòng Xuân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Nhân dân năm 1999...
GS Võ Tòng Xuân còn được gọi là người cha của nhiều giống lúa gạo ngon ở Việt Nam với hàng loạt các sáng kiến nhằm cải thiện sinh kế của người nông dân, cũng như nâng tầm cao sản của đất nước.
Năm 1961, ông được học bổng du học tại Trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos. Năm 1966, ông tốt nghiệp cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI, Philippines). Năm 1971, đang công tác ở Viện IRRI, ông quyết định về nước, làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Cuối năm 1974, ông sang Nhật Bản và năm 1975 bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Ông còn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu giá trị phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế; "cha đẻ" nhiều giống lúa ngon ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong cuộc cách mạng nông nghiệp, GS Xuân đóng vai trò quan trọng trong phổ biến giống IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với nông dân áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưởng nhớ Giáo sư Võ Tòng Xuân: Giã từ một người bạn