Cho đến nay, thế giới đã có hơn 5 triệu người tử vong vì Covid-19 kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hình thức tưởng nhớ đến các nạn nhân, các đài tưởng niệm lớn nhỏ đã được dựng lên từ khắp nơi trên thế giới để nhắc nhớ con người về một ký ức không thể quên.
“Cột mốc” đáng buồn
Theo số liệu thống kê mới nhất của trang mạng worldometers.info, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là 255,6 triệu ca, trong đó trên 5,13 triệu người tử vong. Nhiều nước đang theo đuổi chính sách “sống chung với Covid-19” trong trạng thái bình thường mới. Song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính số người tử vong có thể cao gấp 2 - 3 lần con số 5 triệu được công bố chính thức, nếu tính cả các trường hợp liên quan gián tiếp đến Covid-19. Nguyên nhân được cho là do nhiều quốc gia chưa ghi nhận hoặc công bố chính xác số người tử vong vì Covid-19. Chuyên gia dịch tễ Denis Nash tại Đại học New York (Mỹ) cho rằng một số nước có thể ước tính số ca tử vong thấp hơn đến 10 lần so với thực tế.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 787.500 ca tử vong trong tổng số trên 48 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.850 ca tử vong trong số 21,97 triệu ca mắc. Tỷ lệ tử vong toàn cầu tăng lại trong 2 tuần qua, sau khi đã giảm trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10, nhưng mức trung bình hơn 7.000 ca tử vong/ngày trên toàn cầu vẫn thấp hơn so với đỉnh điểm là 10.000 ca vào tháng 8.
Theo một báo cáo của WHO, số ca tử vong gia tăng ở châu Âu, trong khi giảm tại nhiều nơi ở châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Theo chuyên gia virus học Jean-Claude Manuguerra thuộc Viện Pháp (French institute), Covid-19 gây ra nhiều trường hợp tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Số người chết có thể đã lớn hơn nhiều nếu không có các biện pháp được triển khai đồng loạt, nổi bật là hạn chế di chuyển và tiêm chủng vaccine.
Đại dịch Covid-19 sau gần 2 năm đã xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tôn trọng người đã khuất
Mỹ, đất nước có nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất thế giới, đã có những hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân từ hồi tháng 2. Trong một tuyên bố tưởng nhớ những nạn nhân Covid-19 đã qua đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ trên các tòa nhà và địa điểm công cộng.
“Vào thời điểm này, chúng ta tưởng nhớ về sự ra đi của họ và sự mất mát của những người thân yêu của các nạn nhân. Chúng ta, với tư cách là một quốc gia, phải ghi nhớ họ để có thể bắt đầu hàn gắn, đoàn kết và cùng nhau đánh bại đại dịch này”, ông Biden cho biết trong tuyên bố.
Chuông đã reo lên tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington để tưởng nhớ những người đã mất. Tượng đài Washington với những lá cờ trắng là một phần trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tạm thời của nghệ sĩ Suzanne Brennan Firstenberg, “Ở Mỹ: Hãy nhớ”, để tưởng nhớ những người Mỹ đã tử vong do đại dịch Covid-19 tại công viên quốc gia National Mall.
Tại Ấn Độ một đài tưởng niệm trực tuyến đã được công bố vào tháng 2. Anh Abhijit Chowdhury thuộc Mạng lưới chăm sóc Covid tại phía Đông thành phố Kolkata cho biết: “Đó không phải chỉ để tưởng niệm, đó còn là cách chúng ta có thể bày tỏ sự tôn trọng đối với những người đã khuất”.
Tại Trung Quốc, ngay từ hồi tháng 4/2020, nước này đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân Covid-19. Toàn quốc ngừng mọi hoạt động để tưởng niệm 3.326 nạn nhân (thời điểm tháng 4/2020). Các tài xế xe hơi được kêu gọi hú còi, trong lúc mọi công dân mặc niệm ba phút, trước lá quốc kỳ để rủ.
Tại Brazil, những chiếc khăn trắng được treo trên dây tại bãi biển Copacabana tượng trưng cho những người đã thiệt mạng do đại dịch Covid-19 ở Rio de Janeiro.
Đây là một cách tưởng nhớ của người dân nơi đây, đồng thời cũng là sự thức tỉnh về nhận thức của con người trước con số hơn 600.000 người thiệt mạng ở Brazil, mức cao thứ hai trên thế giới.
Ở thành phố lớn thứ hai của Nga, St.Petersburg, tác phẩm điêu khắc một thiên thần với đôi vai sụp xuống và đầu buông thõng một cách bất lực đặc biệt gây xúc động vì người sáng tạo ra nó, ông Roman Shustrov, cũng là một nạn nhân của đại dịch Covid-19 vào tháng 5/2020.
Tại Italy, nơi bùng phát đầu tiên các ca mắc Covid-19 tại châu Âu, đã không dành một đài tưởng niệm quốc gia cho khoảng 132.000 người đã thiệt mạng được xác nhận, nhưng họ đã chỉ định một ngày tưởng nhớ đại dịch Covid-19. Khu rừng Ký ức, được tạo ra để tưởng nhớ những người đã chết vì Covid-19, tại Parco della Trucca, ở Bergamo, Ý.
“Khu rừng Ký ức là một tượng đài sống, và đối với chúng tôi, khu rừng có vẻ là một công trình thuyết phục nhất, giàu cảm xúc nhất và là tác phẩm gần gũi nhất với tình cảm của chúng tôi”, Thị trưởng Bergamo Giorgio Gori nói.
Tại London, Vương quốc Anh, đài tưởng niệm nạn nhân trong đại dịch Covid-19 được vẽ trên một bức tường dài nửa km dọc theo dòng sông Thames. Mỗi sinh mạng đã mất được thể hiện bằng một hình trái tim được sơn vẽ tỉ mỉ, những trái tim đó sẽ được các tình nguyện viên tại đây làm mới hàng tuần.
Những trái tim đại diện cho hơn 140.000 ca tử vong do Covid-19 ở Anh, con số cao thứ hai tại châu Âu sau Nga. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, số người thiệt mạng thực tế tại Anh được ước tính cao hơn nhiều, lên tới mức 160.000 người.
Còn tại Nam Phi, những dải ruy băng màu xanh và trắng được buộc vào hàng rào tại Nhà thờ St. James Presbyterian ở Bedford Gardens, phía đông Johannesburg, để tưởng nhớ 89.000 người dân đã thiệt mạng do đại dịch Covid-19 của đất nước: mỗi dải ruy băng màu xanh tượng trưng cho 10 người dân, còn màu trắng là một.
Khoảng 2,6 triệu trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ đã được tiêm phòng
Gần 10% trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên kể từ khi vaccine của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech được phê duyệt cho lứa tuổi này cách đây 2 tuần. Mỹ có khoảng 28 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-11 và khoảng 2,6 triệu trong số này đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong khi đó, khoảng 80% người dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 31 triệu người đã tiêm mũi bổ sung.