Khi Mỹ và Trung Quốc đang có những động thái đáp trả qua lại và đe dọa áp thuế ngày càng cao, thì những người bán hàng tại những nơi như chợ bán buôn lớn nhất thế giới Nghĩa Ô (Trung Quốc) chính là tuyến đầu của căng thẳng thương mại mới.
Cú đảo ngược bất ngờ
Ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), sau chưa đầy 24 giờ các mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với hàng chục quốc gia chính thức có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Theo đó, mức thuế quan đối với Trung Quốc giờ đây sẽ tăng lên tổng cộng 125% từ 104% và có hiệu lực ngay lập tức.
Sự thay đổi quan điểm của Tổng thống Donald Trump diễn ra sau giai đoạn biến động dữ dội nhất của thị trường tài chính kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu nhưng lại làm leo thang thêm cuộc đối đầu có rủi ro cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định, việc rút lui đã là kế hoạch từ đầu để đưa các quốc gia vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Donald Trump cho biết, sự hoảng loạn trên thị trường diễn ra kể từ thông báo ngày 2/4 đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông.
Trước đó trong ngày 9/4, đáp trả lại mức thuế quan 104% mà Mỹ áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã công bố các rào cản thương mại mới đối với hàng hóa của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đã công bố tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ 34% lên 84%. Bộ tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: "Việc Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc là một sai lầm chồng lên sai lầm, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ".
Tuyến đầu căng thẳng
Tại Trung Quốc, rất ít người ở thành phố Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô có thể vui mừng khi nghe về mức thuế quan mới. Dù đã quen đối mặt với các cuộc chiến thương mại ít nhất là từ năm 2018 và giảm tiếp xúc với các đối tác Mỹ, nhưng những người bán hàng vẫn lo sợ về hậu quả của một cú sốc kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều người đã chuẩn bị tốt để tập trung hoạt động kinh doanh của mình vào thương mại với các quốc gia khác ngoài Mỹ. Chị Wang Guiying - người bán khung ảnh giá sỉ tại Nghĩa Ô trong 30 năm cho biết, hiện nay chưa đến 10% khách hàng của chị đến từ Mỹ, một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với thời điểm mới mở cửa hàng. Ngày nay, hầu hết khách hàng của chị đều đến từ Trung Đông.
"Bây giờ việc kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn. Biên lợi nhuận rất eo hẹp và chúng tôi đang làm việc với lợi nhuận tối thiểu. Làm kinh doanh rất mệt mỏi nhưng bạn không thể dừng lại” - chị Guiying nói và cho biết thêm, một số ít khách hàng ở Mỹ của chị đang "giảm dần đơn hàng".
Giống như chị Wang Guiying, chị Ma Lin - chủ một cửa hàng bán phụ kiện làm đẹp thực hiện hầu hết các giao dịch của mình với khách hàng đến từ Trung Đông. Theo chị Ma Lin, vẫn còn quá sớm để nói tác động của thuế quan sẽ như thế nào, nhưng dự đoán "sẽ gây ra tổn thất lớn trong thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ". Những người bán hàng ở Nghĩa Ô lo lắng nhiều hơn về tác động thuế quan của Mỹ trên toàn cầu hơn là đối với hàng hóa của Trung Quốc nói riêng.
Clementine - một cử nhân mới tốt nghiệp cách đây 2 tháng và hiện đang gia nhập một doanh nghiệp xuất khẩu nước hoa tại Nghĩa Ô cho biết, cô "hoàn toàn không lạc quan" về tình hình kinh tế, nhưng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó.
Chính phủ Trung Quốc muốn các nhà xuất khẩu trong nước chuyển hướng khỏi Mỹ. Hiện có khoảng 15% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, giảm so với mức 19% vào năm 2017. Nhiều hàng hóa của Trung Quốc vẫn được bày bán trên các kệ hàng của Mỹ thông qua các nước thứ 3, nhưng động thái chung nhằm giảm sự tiếp xúc với Mỹ được thể hiện rõ trong các tuyên bố chính thức cũng như số liệu thống kê.
Báo cáo chính thức của Nghĩa Ô về thống kê số liệu thương mại năm 2024 cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố này vào năm ngoái đạt 669 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, 18% trong số này là thương mại với châu Phi, 17% với châu Mỹ Latinh và 10% với các nước ASEAN.
Bà Diana Choyleva - người sáng lập kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty dự báo kinh tế Enodo cho biết: “Mặc dù đang phải vật lộn với những trở ngại kinh tế đáng kể, nhưng Trung Quốc bước vào cuộc đối đầu thương mại với nhiều lợi thế về mặt cấu trúc giúp tăng cường đáng kể sức mạnh trước Mỹ”.
Bà Choyleva lưu ý rằng, việc Tổng thống Donald Trump thực hiện áp thuế bổ sung 71% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá.
"Nếu chỉ liên quan đến Mỹ thì sẽ ổn vì tôi không có nhiều khách hàng từ đó, Nhưng tôi lo rằng các nước khác sẽ làm theo Mỹ và áp dụng mức thuế tương tự, khi đó chúng tôi sẽ phải tăng giá. Vì biên lợi nhuận của chúng tôi đã rất mỏng, nên sẽ không đủ để trang trải thêm bởi thuế quan" - bà Cheng Xiaoyan, một thương nhân xuất khẩu sản phẩm gạt tàn thuốc bày tỏ sự lo lắng và cho biết, bà đã cố gắng lạc quan, nhưng “đây là điều chỉ có chính phủ mới có thể thương lượng được”.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau tin tức ngày 10/4, khi chỉ số chuẩn S&P 500 đóng cửa cao hơn 9,5%. Lợi suất trái phiếu đã giảm từ mức cao trước đó và đồng USD phục hồi so với các loại tiền tệ an toàn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, giá cổ phiếu tăng đột biến có thể không khắc phục được toàn bộ thiệt hại. Goldman Sachs đã cắt giảm khả năng suy thoái xuống còn 45% từ 65% sau động thái của Tổng thống Donald Trump và cho biết, mức thuế quan 10% được giữ lại vẫn có khả năng dẫn đến mức tăng 15% trong mức thuế quan chung.