Nhiều năm nay, mặt đê Năm Căn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến an toàn đê, mất an toàn giao thông.
Theo tìm hiểu, huyện Nho Quan (Ninh Bình) hiện có 42 km đê sông và 61,5km đê bao. Các tuyến đê đã cơ bản được cứng hóa, song do kết hợp việc cứng hoá mặt đê làm đường giao thông nên hiện nhiều đoạn đã xuống cấp, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Theo ghi nhận, tại tuyến đê Năm Căn dài 20,6km đi qua 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nho Quan, xuất hiện rất nhiều các vết nứt lớn, chạy dài chia cắt phần đường làm đôi. Tại xã Lạng Phong, xuất hiện các vết nứt rộng từ 10-20 cm, sâu từ 50-70cm tạo thành rãnh rộng kéo dài cả trăm mét.
Tại nhiều điểm trên mặt đê bị lõm sâu cả mét, mỗi khi có mưa là nước lại ngập thành các điểm trũng, gây mất an toàn giao thông. Nhìn từ xa cũng có thể thấy rõ những khối bê tông nứt toác thành trăm mảnh, những vết nứt gãy xuyên suốt từ đầu đường đến cuối đường.
“Tuyến đê này được đổ bê tông khoảng năm 2008, sau nhiều năm sử dụng cộng với việc xe tải chạy trên mặt đê nhiều khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trong. Trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều có kiến nghị nên có biện pháp khắc phục các vết nứt lớn trên mặt đê nhưng xã bảo bên trên chưa có kinh phía nên chưa làm được” - ông Nguyễn Văn Đẳng, 75 tuổi, người dân sinh sống ngay cạnh chân đê cho biết.
Ngoài mặt đê, phần thân và dưới chân đê cũng có dấu hiệu của sự sụt lún. Điều đó khiến mặt đê bị tách thành 2 khối cao thấp khác nhau, gây nguy hiểm rất lớn cho các phương tiện qua lại.
Ông Quách Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho biết: Việc tuyến đê Năm Căn đi qua xã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua là chính xác, nhưng hiện do không có kinh phí nên xã vẫn đang phải chờ hỗ trợ từ bên trên.
Ông Đoàn nói: “Tuyến đê Năm Căn đi qua xã có hơn 2km bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm qua, các điểm bị nứt toác nghiêm trọng nhất đã được huyện bố trí kinh phí để vá tạm lại. Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp tạm thời, vì trên toàn mặt đê có quá nhiều điểm bị hư hại và kinh phí của huyện thì cũng có hạn”.
Rất mong trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Ninh Bình cần có sự quan tâm, phân bổ nguồn vốn để gia cố lại tuyến đê nói trên để đảm bảo cho việc đi lại và an toàn trong mùa mưa lũ đối với cư dân địa phương.
Ngoài tuyến đê Năm Căn, tại nhiều điểm của tuyến đê Bối và các tuyến đê bờ vùng do UBND các xã quản lý, vận hành, khai thác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là ở các xã Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Lâm.
Tại xã Gia Lâm có khoảng 8,4km đê bao, theo quan sát, dọc tuyến đê qua xã có 1 tràn đất tồn tại đã nhiều năm, chưa được đổ bê tông. Điều này dẫn tới việc mỗi khi đến mùa mưa lớn, khi nước lũ tràn vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 150ha lúa và 300 hộ dân. Được biết, huyện Nho Quan đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng đê điều để báo cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình.