Tuyển dụng không qua thi tuyển: Liệu có hút được người tài?

HOÀI VŨ (thực hiện) 10/09/2023 07:16

UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất “Chủ tịch UBND TP Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ở ngoài khu vực nhà nước”, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Xung quanh vấn đề này, PV báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

PV: Ông có thể cho biết ý kiến trước đề xuất của UBND TP Hà Nội?

Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Lê Minh.

Ông NGUYỄN TIẾN DĨNH: Đây là vấn đề trao thêm quyền cho Hà Nội trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Trước đây chúng ta vẫn cho phép tuyển người từ khu vực ngoài nhà nước vào khu vực nhà nước thế nhưng phải thông qua cơ chế thỏa thuận. Nghị định của Chính phủ quy định các địa phương muốn tuyển dụng người từ khu vực ngoài nhà nước vào khu vực nhà nước thì trước khi tuyển phải thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì không tuyển dụng được. Do đó bây giờ sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội xin vấn đề trên để trao thêm quyền cho Hà Nội để bỏ qua thỏa thuận. Nghĩa là phân cấp phân quyền một cách triệt để, xin để có quyền. Khi thấy người có tài năng thì tuyển dụng luôn không phải qua thi tuyển nữa.

Nhưng việc tuyển dụng không qua thi tuyển liệu có khách quan, thưa ông?

- Trong tuyển dụng có thi tuyển và xét tuyển. Không thi tuyển nhưng vẫn có hình thức xét tuyển, và xét tuyển có những tiêu chuẩn, tiêu chí. Ví dụ trước đây quy định anh công tác làm vị trí kế toán tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, bây giờ tuyển dụng xét tuyển vào khu vực nhà nước thì anh cũng phải đáp ứng yêu cầu trải qua vị trí công tác đó 5 năm trở lên, và phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm đó. Quá trình xét tuyển phải có hồ sơ, phỏng vấn, thậm chí có những thỏa thuận chứ không phải xét tuyển cứ thế là vào. Nhất là, có các tiêu chuẩn đặt ra như: có năng lực, tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành... Bởi mỗi vị trí việc làm đều có yêu cầu riêng của nó và căn cứ vào đó để xét tuyển.

Thi tuyển thì mất nhiều thời gian hơn so với xét tuyển. Cho nên bây giờ theo đề xuất của Hà Nội trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thì khi thấy người có tài năng thì Chủ tịch TP Hà Nội được tuyển dụng luôn không phải qua thi tuyển nữa.

Thi tuyển có tính cạnh tranh hơn xét tuyển và hiện nay chúng ta đang hướng tới các vị trí lãnh đạo đều phải thông qua thi tuyển. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Tại Tờ trình về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nêu 16 nội dung đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, về áp dụng pháp luật, UBND thành phố đề xuất trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định. UBND thành phố cũng xin ý kiến về quy định việc giao HĐND thành phố quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện.

Đặc biệt, UBND thành phố xin ý kiến về quy định Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thủ đô được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.

- Như tôi đã đề cập ở trên, có hai hình thức là thi tuyển và xét tuyển. Nếu nhìn thì thấy thi tuyển tốt hơn xét tuyển vì thi tuyển có tính cạnh tranh, nhiều người thi vào 1-2 vị trí. Nhưng xét tuyển cũng đặt ra các điều kiện, trường hợp nào có thể xét tuyển thì tổ chức xét tuyển chứ không phải trường hợp nào cũng xét tuyển. Thường khi xét tuyển thì đã xem xét đến yếu tố trước đây họ đã làm ở vị trí ngành nghề nào thì bây giờ xét tuyển vào vị trí ngành nghề đó. Rồi trước đây họ đã đạt được kết quả xuất sắc nào đó thì bây giờ chúng ta phát hiện ra và tuyển dụng họ vào khu vực nhà nước. Xét tuyển dựa trên hồ sơ, năng lực, phỏng vấn, sát hạch và cũng có Hội đồng xét tuyển qua các bước. Xét tuyển đơn giản hơn nhưng có tiêu chí của nó chứ không phải ai cũng vào được. Tất nhiên trước đó anh phải phát hiện ra họ và đánh giá là tốt thì mới “xin về”, hoặc họ tự tìm đến và chúng ta xét tuyển họ. Tức là xét tuyển có điều kiện.

Ông có cho rằng tuyển dụng không qua thi tuyển sẽ khó chọn được người tài không?

- Theo tôi, đây là vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu. Phải công tâm và thực sự khách quan. Bởi kể cả thi tuyển mà không khách quan thì vẫn có tiêu cực. Vì thi có thi trên máy, thi trực tiếp. Nếu có tiêu cực thì cho đáp án sẵn, hoặc sửa kết quả trên máy.

Mỗi phương thức đều có mặt ưu, mặt khuyết. Song cuối cùng vẫn là do con người thực hiện. Hội đồng thi tuyển cũng phải công tâm khách quan, không cài cắm người nhà, “cả nể” con của lãnh đạo. Nếu không khách quan thì thi tuyển cũng sẽ không chọn được người tài, người có năng lực. Nó giống như trong một số trường hợp đấu thầu chưa chắc đã tốt bằng xét thầu do đấu thầu có tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”. Còn xét thầu mà chọn nhà thầu có năng lực tốt thì còn tốt hơn là đấu thầu mà có tiêu cực.

Tôi nêu ví dụ trên để thấy nếu xét tuyển nghiêm túc theo các tiêu chí, khách quan, trung thực, chọn đúng người tài thì còn tốt hơn thi tuyển mà không khách quan, có tiêu cực, nể nang con lãnh đạo, hay chỉ chọn “người nhà” của mình. Đây là vấn đề đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự khách quan, công tâm là như vậy. Bởi các quy trình tổ chức cán bộ đều rất chặt chẽ, có tính khoa học từ 3 bước lên 5 bước, thế nhưng quy trình vẫn do con người tổ chức thực hiện. Ví dụ: Bí thư có con, nhưng đưa ra tập thể xin ý kiến thì tất cả những người trong ban thường vụ đều đồng ý cả. Nghĩa là vẫn qua đầy đủ các bước tập thể xem xét, cho ý kiến nhưng vì con Bí thư nên do cả nể mà đồng ý. Cho nên nếu không khách quan thì kết quả sẽ khác so với yêu cầu đề ra.

Một người giỏi ở khu vực ngoài nhà nước khi xét tuyển vào lại không đáp ứng được yêu cầu về công chức hay viên chức thì sao, thưa ông?

- Khi đã có quyết định tuyển dụng thì họ đã là công chức, hay viên chức rồi. Bởi khi tuyển dụng qua quá trình thi hay xét tuyển thì bản thân họ cũng phải trải qua các vòng, các bước như: kiến thức chung, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, hay ngoại ngữ. Khi đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ xong, khi được tuyển dụng vào làm việc trong khu vực nhà nước thì anh đã đạt tiêu chí là công chức, hay viên chức. Vì quyết định trúng tuyển cũng là quyết định bổ nhiệm vào công chức hay viên chức. Còn chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì sau này người đó phải thi.

Theo ông, trong trường hợp lãnh đạo Hà Nội được trao quyền tuyển dụng như vậy, có hút được người tài?

- Hình thức thi tuyển, hay xét tuyển cũng chỉ là một phần. Vì ngoài vấn đề thu hút còn có vấn đề chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc, sử dụng và cơ hội thăng tiến cho họ. Quan trọng là sau thu hút nhân tài chính là vấn đề đãi ngộ, sử dụng lao động. Đã thu hút người giỏi thì phải tạo điều kiện cho họ làm việc. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã nói phân cấp phân quyền thì phải phân cả về điều kiện cho người ta thực hiện, chỉ như vậy mới hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 11/7/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành Quy định số 114 (thay thế Quy định 205 ngày 23/9/2019) về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo Quy định 114: Không bố trí người nhà đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành, gồm: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát.

Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), Quy định 114 quy định rất cụ thể, làm sao hạn chế trong cùng một gia đình cùng là người lãnh đạo. Đây là những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. Nếu thực sự có tài thì bố trí chỗ khác, việc khác. “Không nên trong một tập thể nhỏ, có mấy người, loanh quanh toàn người nhà thì cuối cùng khi một vấn đề trong nhà nhiều người tham gia quyết định thì thiếu tính khách quan, chuẩn xác" - ông Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển dụng không qua thi tuyển: Liệu có hút được người tài?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO