Nếu chất lượng dịch vụ của cơ sở y tế cấp dưới đã tốt rồi thì ai còn hơi đâu “mua đường” chạy hàng mấy chục km, thậm chí hàng trăm km lên BV tuyến trên nữa, nhất là người bệnh đau yếu. Đó chính là cơ sở để Bộ Y tế quyết định việc thông tuyến BHYT.
Ảnh minh họa. nguồn: Internet.
Từ 1/1 thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), người có thẻ BHYT có quyền đi khám, chữa bệnh (KCB) ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) không cần giấy chuyển viện, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán 100% mức BHYT được hưởng.
Thông tuyến BHYT làm nức lòng người dân, bởi không chỉ giảm đáng kể phiền phức cho người tham gia BHYT khi phải “xin” giấy chuyển viện, mà còn tạo cho họ cơ hội lựa chọn dịch vụ y tế tốt nhất cho mình. Việc thông tuyến BHYT đã làm “thông” lòng dân đối với lĩnh vực BHYT.
Quy định thông tuyến BHYT xuất phát từ chủ trương hết sức nhân văn là tạo thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT khi đi KCB. Nếu như trước đây một người tham gia BHYT phải xác định một nơi đăng ký KCB ban đầu (trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, BV huyện, hoặc BV tỉnh), khi có nhu cầu KCB họ phải đến nơi đăng ký đầu tiên mới được hưởng 100% BHYT.
Chỉ khi vượt quá khả năng chuyên môn, nghiệp vụ thì cơ sở y tế đó (nơi người tham gia BHYT đã đăng ký ban đầu) sẽ giới thiệu chuyển lên tuyến trên, lúc đó người tham gia BHYT mới được hưởng 100% BHYT.
Nay việc thông tuyến BHYT tạo ra sự văn minh hơn trong phong cách phục vụ người bệnh, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi có nhu cầu KCB, mà còn tạo áp lực tích cực đối với cá nhân các y, bác sĩ nói riêng và các bệnh viện (BV) nói chung khiến các cơ sở y tế phải tự nâng cao ý thức phục vụ người bệnh. Cụ thể, khi mở thông tuyến huyện có nghĩa là người tham gia BHYT đăng ký nơi KCB ban đầu là trạm y tế xã A, hoặc bệnh viện huyện B nhưng họ hoàn toàn có thể đến một trạm y tế xã C và BV huyện D. để KCB mà vẫn hưởng 100% BHYT, tạo thuận lợi hơn cho người bệnh không nhất thiết phải theo tuần tự từ xã lên huyện.
Với việc trong phạm vi một tỉnh, người dân có thể từ huyện nọ chuyển sang huyện kia KCB nếu họ không tin tưởng vào chất lượng cơ sở y tế nơi đã đăng ký KCB ban đầu. Như vậy các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng chuyên môn, dịch vụ lên thì mới hấp dẫn người bệnh được để họ không đến nơi khác, nếu không nguy cơ “treo niêu” là khó tránh khỏi (bởi theo quy định mới, mọi khoản lương, thưởng... của y, bác sĩ đều phụ thuộc vào số lượng người bệnh đến KCB). Khi chất lượng dịch vụ được nâng lên cũng đồng nghĩa với việc quyền lợi của người bệnh được bảo đảm tốt hơn xét về cả mặt chất lượng phục vụ cũng như phạm vi chuyên môn.
Cũng có một số ý kiến cho rằng thông tuyến rất khó kiểm soát việc lạm dụng thuốc, kỹ thuật và sử dụng thuốc tràn lan trong khi hạ tầng công nghệ thông tin chưa thông, dữ liệu giữa các tuyến chưa kết nối. Ý kiến này không phải là không có cơ sở, song chỉ là trên lý thuyết. Những người bệnh mà sáng đi khám BV A, rồi chiều lại đi khám BV B rất ít nếu không muốn nói là không có.
Bởi thứ nhất, họ là người bệnh, không có thời gian để “chạy” chỗ nọ, chỗ kia. Thứ hai, dù dân trí chưa cao thì hầu hết mọi người đều hiểu là “lắm thày thối ma”, đồng thời họ cũng hiểu rõ tác dụng tiêu cực của việc dùng nhiều loại thuốc tân dược cùng một thời điểm. Trong chuyện gì có thể tham được, chứ liên quan đến bệnh tật, thuốc men thì không ai dám liều tính mạng của mình cả. Do vậy ý kiến lo ngại trên là không thỏa đáng.
Cũng có một số ý kiến lo ngại xảy ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, nghĩa là người bệnh đổ dồn về BV tuyến trên dẫn đến quá tải, trong khi tuyến dưới vắng hoe. Song, về điều này cũng không cần phải lo, bởi nếu chất lượng dịch vụ của cơ sở y tế cấp dưới đã tốt rồi thì ai còn hơi đâu “mua đường” chạy hàng mấy chục km, thậm chí hàng trăm km lên BV tuyến trên nữa, nhất là người bệnh đau yếu. Đó chính là cơ sở để Bộ Y tế quyết định việc thông tuyến BHYT.