Trong khi nỗi lo thất nghiệp sau ra trường của sinh viên sư phạm vẫn đang hiện hữu thì thông tin mới đây tại một số địa phương khiến nhiều người bất ngờ. Đó là dù có chỉ tiêu tuyển nhưng không có nguồn tuyển nên đến nay, tỉnh vẫn thiếu giáo viên cho chương trình phổ thông mới.
Thiếu giáo viên tin học và ngoại ngữ
Đó là thực trạng của nhiều tỉnh thành phố, trong đó có cả các thành phố lớn. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, cả nước có hơn 406.000 giáo viên cấp tiểu học, tăng gần 6.140 giáo viên so với năm học trước. Tuy nhiên, cũng ở cấp học này, hiện đang thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ. Nguyên nhân là vì theo yêu cầu của chương trình mới, học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải được 2 môn này trong khi chương trình hiện hành không yêu cầu.
Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 3 bắt đầu được thực hiện từ năm 2022. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 năm nữa để các địa phương chuẩn bị về giáo viên. Tuy nhiên, với cấp tiểu học, không chỉ cần bằng cấp, trình độ mà kinh nghiệm cũng rất quan trọng do đây là cấp học khởi đầu, các em học sinh vẫn còn nhỏ…
Các chuyên gia cũng chỉ ra một thực tế là việc tuyển dụng được giáo viên vừa có trình độ tiếng Anh, trình độ Tin học vừa có chuyên môn sư phạm tiểu học là điều rất khó khăn vì dạy học tiểu học vất vả, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định vì số được tuyển dụng chính thức rất ít, chủ yếu là hợp đồng với mức lương thấp.
Dù vậy, để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu tuyển đủ giáo viên là cần thiết. Các địa phương đều cho biết trong 2 năm tới, việc tuyển dụng giáo viên sẽ đặc biệt ưu tiên cho bậc tiểu học song nhiều địa phương cũng đề xuất Bộ GDĐT có cơ chế để tuyển đủ giáo viên cho chương trình phổ thông mới.
Cụ thể, ông Trần Tuấn Khanh- Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang, cho biết một số trường hợp có trình độ cử nhân Tiếng Anh nhưng không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, ông Khanh đề xuất Bộ GDĐT có thêm thông tư về bồi dưỡng sư phạm cho đội ngũ này để hỗ trợ địa phương tuyển được giáo viên.Đây cũng là “điểm nghẽn” chung của nhiều địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Thuận…
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Bình- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), cho hay thông tư ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có trình độ cử nhân muốn trở thành giáo viên ở một số môn học còn thiếu giáo viên như ngoại ngữ, tin học đang được hoàn thiện để trình lãnh đạo bộ ký ban hành.
“Khi thông tư này có hiệu lực thi hành thì các cơ sở đào tạo giáo viên có đủ điều kiện sẽ tổ chức việc bồi dưỡng này và cá nhân nào có nhu cầu sẽ tham gia; các địa phương có thể thực hiện việc này” - ông Bình cho hay.
Địa phương chủ động
Hiện nay, Hải Phòng đã xây dựng dữ liệu về giáo viên tại tất cả các trường. Thông tin chi tiết về giáo viên nào đến tuổi nghỉ hưu, môn học nào đang thừa, môn học nào thiếu giáo viên đều cập nhật liên tục. Đây là dữ liệu để thành phố giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tin học và tiếng Anh trong 2 năm tới. Tuy nhiên, bất cập là dù địa phương có chỉ tiêu nhưng lại lo không có nguồn tuyển.
Giải quyết bài toán này, ông Đặng Văn Bình đề nghị địa phương phải đặt hàng các cơ sở đào tạo, đặt hàng đào tạo liên thông, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh có nguyện vọng trở thành giáo viên,...
Trên thực tế, hiện nay mới có một số địa phương có cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên như tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức tổ chức tuyển sinh 4 ngành ĐH sư phạm chất lượng cao là Toán học, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử với 20 chỉ tiêu/ngành. Các sinh viên thuộc Đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao này sau khi tốt nghiệp sẽ được tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng ngay vào các trường THPT trong tỉnh.
Với cách làm này, sinh viên ra trường sẽ không lo thất nghiệp. Từ đó, thu hút được những học sinh giỏi đầu quân vào sư phạm và các em có cơ sở để nỗ lực phấn đấu, yên tâm với lựa chọn của mình thay vì canh cánh nỗi lo “đến thủ khoa trường ĐH sư phạm cũng thất nghiệp”…
PGS Đặng Quốc Bảo- nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam đề xuất ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn để chắt lọc những kinh nghiệm hay, vận dụng vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay. Cụ thể, thời kỳ 1977-1988, khi là Thứ trưởng Bộ GDĐT, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai phương thức đào tạo giáo viên vừa học vừa làm.
Trong 11 năm, Trường ĐH Sư phạm Trung ương đã đào tạo trên 2.000 giáo viên. Sau khi ra trường, những giáo viên này được trở về địa phương, nơi mình sinh sống để giảng dạy. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành cốt cán của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT.
“Kinh nghiệm đào tạo giáo viên của thế giới hiện nay cũng cho thấy, ngay những nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cũng áp dụng phương thức vừa học vừa làm để có nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho giáo dục” - PGS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.