Đặt mục tiêu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới, Sơn Dương đang nỗ lực lồng ghép, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong cơ cấu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn là một nhiệm vụ mang tính chiến lược. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". Đây được xem là đường hướng, kim chỉ nam để tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện các Chương trình trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tiến độ, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS tại các địa phương.
Xuất phát từ tình hình thực tế, những năm qua, huyện Sơn Dương đã đồng bộ triển khai, cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được triển khai và có hiệu quả tích cực. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, trường học, trạm y tế…, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào DTTS của huyện Sơn Dương.
UBND huyện đã cùng Phòng Dân tộc rà soát kỹ nhiều nội dung để từ đó xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện từng chương trình cụ thể cho cả giai đoạn. Nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh để ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng xã cụ thể. Vì vậy, Sơn Dương đã và đang được đánh giá là huyện dẫn đầu cả tỉnh về việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất các Chương trình MTQG.
Theo báo cáo từ Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương, năm 2024: Tập huấn Nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho người có uy tín (thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10): Phòng Dân tộc phối hợp với phòng Công an huyện, 11 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi cho 85 đại biểu; kinh phí thực hiện 44,174 triệu đồng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9: treo gần 1.000 băng rôn trên địa bàn 24 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi với kinh phí ước 531 triệu đồng (quá trình triển khai được tổ chức đấu thầu theo quy định).
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 (Dự án 5) Chương trình MTQG: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi từ năm 2022-2024 là: 77 lớp, với 2.695 học viên, cụ thể: Tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhóm I: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 27 lớp, với 945 học viên (lớp 1 tháng); Nhóm II: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 06 lớp, với 210 học viên (lớp 2 tháng); Nhóm III: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 14 lớp với 1.540 học viên (lớp 3 tháng).
Coi trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, Phòng Dân tộc đã chủ động phối hợp với các phòng chức năng, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị triển khai các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện về thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững và nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu người lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, lao động ở nước ngoài. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự... theo đúng chủ trương của Đảng, nhà nước về các Chương trình MTQG.
Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng Dân tộc đã phối hợp với UBND 24 xã thuộc huyện Sơn Dương trao hỗ trợ hơn 2.000 bồn nước inox thương hiệu Sơn Hà (sản phẩm có thời gian bảo hành 20 năm). Chương trình ý nghĩa thiết thực đã góp phần cho nhiều hộ dân được sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khoẻ và cuộc sống ấm no. Với người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, đây là món quà vô cùng ý nghĩa, giúp cuộc sống sinh hoạt của gia đình thuận lợi và an toàn hơn; tăng cường, củng cố niềm tin đối với Đảng và chính quyền.
Các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa. Một trong những dự án quan trọng khác được Sơn Dương khẩn trương triển khai là Dự án 4: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và Tiểu dự án 18 (Dự án 6): Hỗ trợ đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, cụ thể: Năm 2023, toàn huyện đã giải ngân tổng số vốn 13 tỷ 392 triệu đồng, đạt 92/74% kế hoạch trong mục tiêu hỗ trợ xây dựng 41 nhà văn hóa tại các thôn xóm (có 35 nhà văn hóa được hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà văn hóa). Năm 2024, huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để xây mới và hoàn thiện các công trình nhà văn hóa triển khai từ năm 2023.
Riêng xã Phúc Ứng, chỉ trong năm 2023, xã đã hoàn thành làm mới 9 nhà văn hóa thôn, trong đó, mỗi nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, còn lại do nhân dân đóng góp. Mỗi nhà văn hóa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng có giá trị đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng, có thôn người dân tích cực đóng góp xây nhà văn hóa có giá trị đầu tư trên 1 tỷ đồng. Tới nay 21/21 thôn trong toàn xã đã có nhà văn hóa khang trang, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân.
Ông Đặng Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết: “Thực hiện tốt các Chương trình MTQG chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần; người dân trong xã luôn chung tay tham gia, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng nhà văn hóa cùng với nguồn vốn lồng ghép của UBND huyện. Hiện nay 21/21 thôn của xã có nhà văn hóa. Có nhà văn hóa, bà con có chỗ để sinh hoạt cộng đồng, nhiều chương trình tập huấn nông nghiệp; hướng nghiệp dạy nghề,… được triển khai đến người dân. Nhà văn hóa còn là nơi người dân vui chơi, giải trí; tổ chức lễ tết, hội hè; tổ chức biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao; các cháu thiếu niên, nhi đồng có sân chơi lành mạnh, an toàn”.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình MTQG, Sơn Dương xác định tập trung nguồn lực, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG năm 2024. Triển khai hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng chương trình MTQG theo hướng ưu tiên các nguồn lực cho các xã, thôn phấn đấu thoát diện đặc biệt khó khăn. Tổ chức phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các chương trình MTQG nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, năng động, sáng tạo của người dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương; gắn phát triển du lịch bền vững từ những bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào DTTS đang lưu giữ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương chia sẻ: “Nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình MTQG đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được thụ hưởng trực tiếp, đúng địa bàn, đúng đối tượng lên có ý nghĩa rất lớn; làm thay đổi nhanh chóng nhận thức, tạo động lực mạnh mẽ vươn lên để từng bước thoát nghèo; không phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước. Qua từng năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào là người DTTS trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, không còn khoảng cách quá xa so với cuộc sống nơi thị trấn hay thành phố”.
Là vùng quê cách mạng gắn liền với tên gọi Thủ đô kháng chiến, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào,…, diện mạo Sơn Dương đã và đang thay đổi nhờ biết vận dụng, triển khai kịp thời các nguồn vốn Chương trình MTQG. Từ đó truyền cảm hứng tạo động lực cho các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, nhất là đông đảo đồng bào là người DTTS cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm cao thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Quyết tâm phấn đấu sớm đưa Sơn Dương trở thành lá cờ đầu về đích “huyện đạt chuẩn nông thôn mới” đầu tiên của Tuyên Quang.