Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Theo bộ tiêu chí mới, việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM sẽ là rất khó khăn, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, nghèo đa chiều.
Điều đó cho thấy ở một số xã trong tỉnh Tuyên Quang như Khuôn Hà, Thổ Bình chưa đáp ứng theo Bộ tiêu chí mới. Cụ thể, đối với xã Khuôn Hà duy trì giữ vững được 16 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại gồm: nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm chưa chuẩn. Với xã Thổ Bình, cấp ủy, chính quyền, người dân nỗ lực hết sức nhưng cũng chỉ giữ được 18/19 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đáp ứng đó là nghèo đa chiều....
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là số ít. Còn thì suốt thời gian qua, phong trào xây dựng NTM ở Tuyên Quang được các cấp chính quyền, người dân đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, huyện Sơn Dương là điểm sáng.
Tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng tỉnh Tuyên Quang, 18/18 xã của huyện Sơn Dương đã đạt chuẩn trong giai đoạn 2016-2020 giữ vững được tiêu chí trong giai đoạn 2021-2025 này.
Ông Giang Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân nông thôn, đó cũng là thực hiện tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo đa chiều. Để thực hiện mục tiêu này huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết, tổ chức sản xuất theo các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, xúc tiến thương mại, quảng bá tiến tới xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch… giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Huyện cũng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi đã được phê duyệt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo để nâng cao thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tham gia lao động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã phải ghi nhận sự chủ động, nhanh nhạy của người dân trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện toàn huyện Sơn Dương có trên 30 hộ dân tham gia trồng dâu với diện tích gần 15 ha. Toàn bộ diện tích dâu tằm được Công ty cổ phần tơ lụa Phương Nam liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện), nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã hình thành chuỗi sản xuất tương đối bền vững với sự tham gia của đông đảo người dân. Tính đến hết năm 2023, có 30/30 xã đạt tiêu chí về lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 toàn huyện giảm còn 11,85%.