Bên trong những bản làng xa xôi, cách trở của đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn tồn tại các hủ tục lạc hậu cùng với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều năm qua, để giảm thiểu tình trạng này, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực phát huy vai trò người uy tín trong tuyên truyền, vận động bà con để thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Ông Lầu Văn Thào, người dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là người có uy tín. Sinh ra và lớn lên ở Hùng Lợi, ông Thào chứng kiến không ít nỗi đau vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình. Cho nên, khi làm cán bộ thôn, ông luôn coi tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ.
“Mình phải hiểu rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì, hệ lụy của nó ra sao thì mới vận động được. Hơn nữa, cần nhấn mạnh dứt khoát, kiên quyết để đồng bào hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật”. Nhờ đó, ông Thào đã quán triệt đến 100% đảng viên; cán bộ thôn vận động con, em, người thân trong gia đình không vi phạm. Nếu như trước đây, mỗi năm cứ 10 cặp vợ chồng lấy nhau thì có 8 cặp là tảo hôn, nay tình trạng này chỉ còn khoảng 4 - 5 cặp, giảm từ 40 - 50%.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Trung Minh và xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn có 214 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó số cặp kết hôn đủ tuổi là 159 cặp, số cặp tảo hôn 55 cặp. Số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm không tăng. Nhờ có sự tuyên truyền tích cực của đội ngũ người uy tín mà bà con dân tộc trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có nhận thức khá đầy đủ về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và có các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Còn tại Bản Pước, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao nhưng từ hơn chục năm nay không xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của ông Phùng Vinh Chu, Bí thư Chi bộ, người uy tín của thôn.
Ông Chu cho biết, bí quyết để tạo lên thành công đó là mỗi khi nghe ngóng được một vụ tảo hôn sắp diễn ra trong thôn là tôi lập tức đến tận nhà hỏi thăm và vận động người dân. Lúc đầu, cũng có một vài hộ dân chưa hiểu, từ chối lắng nghe nhưng tôi cứ kiên trì vận động mãi thì bà con cũng nghe và làm theo.
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có 20.015 cặp kết hôn, trong đó có 797 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,96% tổng số cặp kết hôn cùng thời điểm. Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến 17 tuổi đối với nữ; từ 16 đến 19 tuổi đối với nam. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Theo bà Hoàng Thị Thắm, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sự thay đổi nhận thức đó đã góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng nhất để xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, hạt nhân là người có uy tín, đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Vì vậy, hàng năm các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín; chăm lo thực hiện chính sách, kịp thời biểu dương để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong hành trình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, bà Hoàng Thị Thắm chia sẻ.