Kinh tế

Tuyên Quang: Rực vàng mùa bưởi

Xuân Trường 10/01/2024 14:58

Với thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng ăn trái, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là một trong những "thủ phủ" của cây bưởi với diện tích hàng nghìn ha.

Những ngày này, sắc bưởi chín vàng phủ khắp các vườn đồi, con đường ngõ xóm, đâu đâu cũng nhộn nhịp cảnh mua bán bưởi tấp nập. Bưởi xứ Tuyên đầy ắp trên những chiếc xe tải hối hả nối nhau về xuôi, sớm phục vụ người dân khắp nơi đón Tết Nguyên Đán 2024.

buoi-dien-phuc-ninh-da-duoc-dan-logo-bao-ho-nhan-hieu-hang-hoa-co-chung-nhan-san-xuat-theo.jpg
Đặc sản bưởi Diễn Phúc Ninh đã được dán logo bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Yenson.

Xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang) được thiên nhiên ưu đãi, thích hợp cho nhiều giống bưởi quý như: Da xanh, diễn, cát quế, soi hà,… Hiện xã có trên 1.500 ha cây ăn quả, trong đó cây bưởi chiếm 1.100 ha.

Trong những ngày giáp Tết, các giống bưởi chín rộ, các nhà vườn tập trung vào thu hái. Hiện tại giá bán bưởi đường, bưởi diễn tại vườn đang được các thương lái đến đặt mua bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/quả; bưởi da xanh dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/quả.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi, nhiều hộ trong xã nhờ canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, bưởi được mùa, mẫu mã đẹp, khách khắp nơi tìm về thu mua nên "trúng lớn", thu về từ 500 – 700 triệu đồng.

img_20181128160812.jpg
Người dân vui mừng vì bưởi năm nay được mùa, mẫu mã đẹp, giá bán ổn định.

Anh Phan Tiến Hợi (31 tuổi, xã Phúc Ninh) là chủ cơ sở thu mua bưởi lớn nhất vùng từ nhiều năm nay. Hiện anh đang đặt gần chục địa điểm thu mua bưởi cho các nhà vườn trong xã và các xã lân cận. Mỗi ngày xuất bán cho các thương lái ở các tỉnh hàng trăm tấn. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh cho biết: “Bưởi năm nay được mùa, mẫu mã đẹp, giá không cao như những năm trước, thương lái rất thích, có bao nhiêu họ đặt hàng thu mua hết. Lúc nào cơ sở cũng có từ 30 - 50 lao động đóng bưởi tất bật cả ngày, bình quân thu nhập mỗi người 300 nghìn đồng/ngày. Những ngày nhiều hàng, gọi thuê người đóng hàng còn khó”.

20ead0b9-5c74-45cb-896e-70eafffcfc2d.jpg
Một điểm thu mua bưởi của Anh Phan Tiến Hợi (xã Phúc Ninh, Yên Sơn).

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (31 tuổi, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh) với hơn chục năm kinh nghiệm trong việc thu mua, phân loại bưởi cho biết, người dân xã Phúc Ninh sống nhờ vào canh tác trồng cây ăn quả, trong đó bưởi là nhiều nhất.

Hàng năm cứ đến dịp cuối năm, bưởi chín rộ là cả xã lúc nào cũng như hội. Toàn xã có vài chục điểm thu mua, mỗi ngày có cả trăm xe tải các nơi về lấy hàng, ngày nhiều bán cả nghìn tấn bưởi; có thu nhập cao từ cây trồng, bà con vui lắm, đời sống kinh tế cũng ngày càng khởi sắc.

Nhiều chủ vườn đã biết ứng dụng công nghệ thông tin như Facebook, Youtube, Tiktok,… để quảng bá và bán sản phẩm online, vì thế sản phẩm bưởi Phúc Ninh luôn được khách hàng khắp nơi tìm về thu mua, người dân cũng an tâm đầu ra cho sản phẩm.

20770228-164f-4658-99db-56b94f1feab8.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Phương (thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh) với hơn chục năm kinh nghiệm thu mua, phân loại, đóng bao quy cách.

Anh Phan Tiến Dũng (45 tuổi, xã Phúc Ninh) cũng là chủ một cơ sở thu mua bưởi có tiếng từ nhiều năm nay. Với vị trí thuận lợi nhà ngay ngã ba, địa điểm thu mua bưởi của anh luôn nhộn nhịp với hàng chục công nhân làm việc liên tục từ sáng tới tận khuya.

Anh Dũng cho biết: Bưởi đang chính vụ, nếu không thu hái kịp, gặp trời mưa gió rất dễ bị rụng; ngày cao điểm cơ sở vừa thu mua vừa xuất bán gần 120 tấn. Bà con trồng được quả chỉ lo nhất đầu ra, rất may nhiều năm qua, sản phẩm bưởi Phúc Ninh luôn được người tiêu dùng ưa chuộng do mẫu mã đẹp, tôm bưởi mọng nước, ngọt mát. Sản phẩm không bị tồn đọng, giữ giá ổn định.

a363751b-8e12-488b-a1ef-0d923a6cf0b0.jpg
Điểm thu mua, đóng hàng tại nhà của anh Phan Tiến Dũng (xã Phúc Ninh, Yên Sơn)

Hiện, diện tích cây ăn quả huyện Yên Sơn đạt trên 6.251 ha, trong đó, diện tích bưởi đạt 4.125 ha, năng suất trung bình 106,8 tạ/ha; diện tích cam đạt 570,3 ha, năng suất trung bình 85,3 tạ/ha; chanh 50,99 ha, năng suất trung bình 36,7 tạ/ha.

aa24fbf5-bfa8-4946-8665-627cd4570e64.jpg
Khắp đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng vàng rực bưởi.

Là cây trồng chủ lực, cây bưởi được trồng rộng rãi tại 12 xã trên địa bàn huyện như: Phúc Ninh, Xuân Vân, Lực Hành, Quý Quân, Chiêu Yên, Tân Long, Tân Tiến, Trung Trực, Kiến Thiết, Tứ Quận, Lang Quán, Thị trấn Yên Sơn,...

buoi-soi-ha-mui-day-tep-deu-vi-thanh-ngot.jpg
Đặc sản bưởi Soi Hà đã nổi tiếng từ lâu với múi đều, tôm mọng nước, vị thơm mát, được khách hàng khắp nơi tìm mua.

Huyện đã xây dựng được 5 sản phẩm bưởi đạt OCOP 3 sao, bao gồm: Bưởi đường Xuân Vân; Bưởi đường đặc sản Phúc Ninh; Bưởi ngọt Trung Trực; Bưởi Da xanh Tiên Phong; Bưởi ngọt Xuân Vân. Đặc biệt, bưởi Soi Hà được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là những điều kiện thuận lợi để trái bưởi Yên Sơn khẳng định vị thế trên thị trường.

Những năm gần đây, UBND huyện Yên Sơn đã có nhiều chính sách khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Huyện, xã cắt cử cán bộ khuyến nông có chuyên môn tới tận nơi hỗ trợ kiến thức chăm sóc cây trồng cần thiết cho các chủ vườn; chú trọng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sản phẩm; khuyến khích các nhà vườn tập trung chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng các loại hóa chất độc hại; tăng cường quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông; hướng đưa sản phẩm của địa phương lên tầm cao về nhận diện thương hiệu quốc gia.

img_20181128160840.jpg
Bưởi đường, Cát quế, Soi Hà, Da xanh,... đang là những cây trồng đặc sản chủ lực, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân các xã thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương cho biết: “Với diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh, nhiều năm qua huyện đã chú trọng hướng người dân trồng các giống cây có năng suất và chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng.

Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng được nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao; đẩy mạnh quảng bá, tích cực tham gia giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của huyện tại các hội chợ trên cả nước. Sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã giúp người dân nơi đây chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp xanh sạch, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái hiệu quả bền vững, đời sống của người dân từng bước được nâng lên”.

Với định hướng phù hợp, tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất phù hợp, an toàn; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ,... huyện Yên Sơn đang là điểm sáng của Tuyên Quang trong phát triển trồng cây ăn trái chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên Quang: Rực vàng mùa bưởi