Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Góp ý kiến tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ năm học vừa qua không tuyển được thí sinh, ông Trần Xuân Nhĩ (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng Bộ GD&ĐT cần có sự phân bổ chỉ tiêu hợp lý.
Ông Trần Xuân Nhĩ.
PV:Kỳ tuyển sinh 2015, có nhiều trường không tuyển sinh được, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều phương hướng giải quyết. Có thể sẽ cho các trường sát nhập, giải thể, hoặc trở thành phân hiệu của trường khác, ông có đồng tình không?
Ông Trần Xuân Nhĩ: Hiện nay, nước ta có hơn 400 trường ĐH, CĐ. So với yêu cầu dù chưa cần thiết như thế, nhưng đã đẻ ra rồi nên tìm cách nuôi nó. Vậy thì phải tìm thử xem nó “chết” vì sao? Các trường “chết” vì không tuyển sinh được, cái này do cơ chế của mình thôi. Chẳng hạn, có 100 trường ngoài công lập chiếm khoảng 20% số trường thì bây giờ Bộ quy hoạch cho số trường công lập được tuyển 80% số học sinh (HS) thì còn 20% tự khắc chảy vào thôi. Nhưng tại vì Bộ không có điều hành vĩ mô nên chảy vào hết công lập không có chỗ chảy ra ngoài công lập nên nó “chết”.
Xây thì khó bóp chết thì dễ. Người ta xây 5, 7 năm từ ý tưởng, tâm huyết mới ra đời được, nhưng bây giờ dùng cơ chế bóp chết rất là dễ. Bây giờ Bộ phải nghĩ cơ chế nào giúp trường có được thí sinh (TS), thì trường sống, bản thân sẽ chia sẻ bớt lực lượng. Các trường này mà chết đi thì HS vào các trường kia sẽ đông lên, cơ sở vật chất còn khó khăn thì vô hình chung là lãng phí.
Việc trở thành phân hiệu, liên kết hay sáp nhập có khả thi không, thưa ông?
- Hoàn cảnh ở VN việc đấy là rất khó. Trường này do nhóm người này bỏ tiền ra xây, trường kia do nhóm kia, bây giờ bảo nhập vào là chuyện cực khổ chẳng ai đồng thuận, nếu có chẳng qua là mình ép họ, buộc họ chứ không phải chuyện đơn giản. Nhưng cái đơn giản nhất là Bộ hãy nghĩ cơ chế tạo điều kiện cho các trường này tuyển sinh.
Cơ chế này tạo điều kiện tuyển sinh được, mặc dù tuyển sinh là tự chủ của các trường nhưng nhà nước vẫn có thể chi phối chứ đâu có phải nhà nước để tự do, muốn làm gì thì làm đâu. Các trường tự chủ nhưng không phải hoàn toàn tự chủ mà cũng phải chịu sự điều khiển nào đó của Nhà nước. Trong cơ chế tuyển sinh, nếu Nhà nước có một cơ chế nào đó tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh được thì tự sống được thôi.
Bộ có nói trong năm tới sẽ cơ cấu lại hệ thống các trường, theo ông nên cơ cấu theo hướng nào?
- Như Malaysia có 25 triệu dân có 600-700 trường vẫn sống, nước Nhật Bản có khoảng 1.700 trường trên 120 triệu dân, mình 90 triệu mà có khoảng trên 400 trường... cho nên hoàn toàn số lượng trường không phải là nhiều. Bây giờ cần xem trường nào cho quy mô bao nhiêu, chia sẻ bớt số lượng của các trường công lập hiện nay đang quá nhiều.
Việc đó Bộ hoàn toàn có quyền tính toán và can thiệp. Bây giờ tôi quy hoạch lại, chỉ cho công lập khoảng 70 đến 80% số HS được đi học thôi, ví dụ thế. Hoặc giải pháp nữa, bây giờ HS không vào được các trường ĐH thì có thể cho vào dự bị, có khâu như vậy thì HS có thể chuẩn bị bồi dưỡng, sang năm có cơ chế thi vào… chỉ là vấn đề Bộ có muốn thực hiện hay không.
Sang năm 2016, kỳ thi THPT QG và xét tuyển vào ĐH Bộ đang có dự định giao các trường tự tuyển sinh và các em muốn đăng ký bao nhiêu trường cũng được. Liệu các trường đang gặp khó khăn trong tuyển sinh có càng khó khăn hơn không?
- Bây giờ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, HS muốn vào đâu cũng được. Nhà trường tự chủ tổ chức thi hoặc xét tuyển… thế thì ai muốn đăng ký cũng vào được, HS đã tốt nghiệp phổ thông rồi thì sẽ được đi học. Nếu mà hạn chế các trường công lập hiện nay, biết là năm nay tốt nghiệp 1 triệu, thì các trường công lập chỉ được 700 ngàn thôi thì dù có đăng ký mấy thì, các trường này cũng chỉ được trong 700 ngàn đấy thôi. Còn 300 ngàn đi đâu? Cuối cùng tự khắc sẽ đến các trường kia.
Nhưng nếu cứ để thí sinh tự do đăng ký thì có lo lắng về số thí sinh ảo không, thưa ông?
- Chuyện đó là rõ ràng sẽ rất nhiều. Vấn đề đã hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho HS rồi, khuyên HS rồi. Thích làm nhà báo thì chỉ đăng ký báo thôi chứ, chỉ trong vài trường. Tôi cũng không tán thành cho HS đăng ký quá nhiều. Mà cần phải có hướng dẫn cho HS. Cho nên HS cùng lắm chỉ đăng ký ngành báo chí 1, 2 trường nào đó thôi chứ để thế HS rải ra đăng ký hàng chục trường, tự nhiên lại một náo động mới. Mỗi người sẽ tự định hình theo ngành nghề nào thì đăng ký trường đấy, cùng lắm đăng ký thêm trường thứ hai. Tự do đăng ký sẽ là tốn kém xã hội.
Còn về phía các trường, năm vừa rồi có các trường lớn thu hút thí sinh nếu năm nay cùng liên kết, hoặc cho các trường tuyển sinh theo điểm, ví dụ trường tốp 1 sẽ điểm rất cao, sau đó giảm dần, ông thấy có hợp lý không?
- Vừa rồi là do cho TS tự do tất cả. Kỳ này nếu mà cho TS tự do đăng ký cũng sẽ sinh ra cái loạn khác, cần có sự điều khiển vĩ mô. Nên tính trường tốp đầu nên bao nhiêu HS, tốp 2 bao nhiêu. Ngay cả đợt đầu cho HS đăng ký trước khi thi, đồng thời trước khi thi người ta có thể hạn chế căn cứ điểm phổ thông.
Chẳng hạn tôi là trường tốp đầu, cho tôi đăng ký trước khi thi thì ví dụ tháng 3 khi HS đăng ký tôi đưa ra điều kiện, tôi là trường cần lấy môn toán làm chủ đạo, HS nào mà 7 điểm toán tôi mới lấy, thì lập tức sẽ gạt bớt ngay trước khi thi.
Do vấn đề điều hành, tình hình của mình đưa ra điều kiện. Trường được 5 ngàn chỉ tiêu, thì tính toán làm sao đủ, sẽ tiết kiệm cho xã hội rất nhiều. Tất cả không phải anh tự do đăng ký, anh đưa ra tự do đăng ký nhưng trường đó được chỉ tiêu là bao nhiêu. Và từ chỉ tiêu đó trường sẽ đưa ra điều kiện khống chế.
Theo ông, việc đăng ký trước khi thi là phù hợp?
- Phải đăng ký trước khi thi. Đi học không phải điểm này mà đi học chính là vì nguyện vọng của HS. Cả quá trình ở phổ thông đã phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho HS rồi, đã hướng dẫn hết rồi… Nếu xuất phát từ chuyện điểm để có bằng, điểm để đi thi ĐH thì thi xong mới cho vào. Còn nếu theo nguyện vọng đó thì đào tạo sẽ tốt hơn đứa điểm cao mà không có nguyện vọng.
Trân trọng cảm ơn ông!