Khi chọn ngành học, ngoài căn cứ dựa trên sở thích, năng lực học tập… thí sinh cần có cái nhìn rộng hơn về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai gần để đảm bảo về cơ hội việc làm sau khi ra trường.Theo kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), có tới 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học (ĐH) chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau.
Nhìn vào bức tranh tuyển sinh ĐH, cao đẳng hàng năm có thể thấy, xu hướng chọn ngành học hiện nay cả thí sinh và phụ huynh đều đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành hấp dẫn thuộc khối an ninh, quốc phòng, báo chí truyền thông, kinh tế... thể hiện ở số nguyện vọng đăng ký lớn gấp nhiều lần chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần cân nhắc đến yếu tố năng lực và sự phù hợp của bản thân với ngành nghề thay vì “đổ xô” chạy theo ngành hot. Theo GS. TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất hot nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. Theo nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử… Các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược…
Theo thống kê nhiều năm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất đối với thí sinh xét tuyển vào ĐH, tính theo nguyện vọng 1 là khoa học trái đất, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên. Đây đều là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực tương đối khắt khe nhưng là những ngành quan trọng cho nền kinh tế hiện tại và tương lai, rất cần những chuyên gia giỏi, nhu cầu nguồn nhân lực luôn thiếu nhưng mỗi năm chỉ thu hút được rất ít sinh viên đăng kí theo học.
Tương tự, ở khối ngành nông - lâm nghiệp, bên cạnh những ngành học thường có điểm trúng tuyển cao như thú y, nông học... thì ngành lâm học lại rơi vào cảnh ảm đạm. Đại diện Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cho biết, năm 2021, ngành lâm học của trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Một trong nhiều nguyên nhân là do tâm lý e ngại của người học, nghĩ học lâm nghiệp sau đi làm phải sống trong rừng!
“Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc tại trạm kiểm lâm, các sở nông, lâm nghiệp, chi cục quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc trở thành kỹ sư chế biến lâm sản, kỹ sư lâm sinh...” - PGS Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM chia sẻ.
Khó tuyển sinh ngành nông lâm cũng là thực trạng của ĐH Thái Nguyên dù theo GS. TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ngành này sinh viên ra trường có thể kiếm được lương 20 triệu đồng/tháng ngay.
Trên thực tế, đại diện các trường ĐH đều khẳng định các chương trình đào tạo trường thông báo tuyển sinh đều đem lại cho người học những cơ hội việc làm nhất định. Ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.
Hiện nay, các trường đều công khai đề án tuyển sinh trên trang web của trường, các số điện thoại tư vấn trực tiếp, kênh tư vấn trực tuyến để thí sinh tham khảo thông tin trước khi chọn trường, chọn ngành. Các kênh thông tin trên các phương tiện truyền thông, Ngày hội tư vấn tuyển sinh và nguồn thông tin từ người thân, các sinh viên đang theo học tại trường thông qua các trang mạng xã hội rất đa dạng để thí sinh tìm hiểu về ngành nghề trước khi quyết định.