Xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh học, mở thêm ngành và tăng chỉ tiêu… là những điểm mới cơ bản của tuyển sinh đại học (ĐH) khối ngành sức khỏe năm nay thí sinh cần biết.
Thêm ngành, tăng chỉ tiêu
Theo đề án tuyển sinh năm 2022 do Trường ĐH Y Dược Thái Bình công bố, chỉ tiêu dự kiến năm nay là 1.050, tăng 60 chỉ tiêu so với năm 2021 do trường mở thêm ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học. Phương thức xét tuyển của trường chủ yếu vẫn phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, bên cạnh khối xét tuyển truyền thống là B00 (Toán, Hóa, Sinh) để xét tuyển hầu hết ngành, trừ Dược học tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), năm nay trường bổ sung nhiều tổ hợp mới, gồm D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh) và A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).
Trong trường hợp các thí sinh cuối danh sách bằng điểm nhau, trường sẽ ưu tiên người có điểm thi Toán cao hơn, sau đó là thứ tự nguyện vọng.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ngành Y khoa cũng như các ngành đào tạo của Trường ĐH Y Dược Thái Bình xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh còn ngành Dược không có môn Hóa mà thay vào đó là tổ hợp A01.
Lý giải việc đưa môn Tiếng Anh vào tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Dược Thái Bình cho biết, trường đưa ra những sự điều chỉnh, đổi mới này nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, nhu cầu xã hội. Hiện tiếng Anh rất quan trọng đối với lĩnh vực Y, Dược. Nhà trường mong muốn có những sinh viên có khả năng ngoại ngữ tốt. Tuy vậy, mỗi tổ hợp trường vẫn đảm bảo giữ lại 2/3 số môn theo tổ hợp gốc để thuận lợi cho thí sinh ôn thi.
Trước đó, Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên cũng đã xét tuyển tổ hợp có môn Tiếng Anh xuất phát từ thực tế hiện nay, sinh viên khối ngành sức khỏe phải có trình độ ngoại ngữ chuyên môn tốt nên việc sử dụng 2 tổ hợp D07 và B08 là phù hợp bên cạnh các tổ hợp truyền thống.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm nay dự kiến tuyển sinh bổ sung ngành Hộ sinh, trình độ ĐH và mở thêm hai ngành mới là Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng, nâng tổng số ngành học của khối ngành Sức khỏe của trường lên 16 chuyên ngành.
Phương thức tuyển sinh của trường đó là xét tuyển thẳng, xét học bạ điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và lớp 12 năm 2022, xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét học bạ theo 5 học kỳ và xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM, thi đánh giá năng lực do HUI tổ chức và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT…
Rộng cửa vào đại học
Năm 2021, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), tỷ lệ nguyện vọng 1/chỉ tiêu của khối ngành sức khỏe là 129,94%, đứng thứ 8 trong top 15 nhóm ngành ĐH hot nhất năm 2021.
Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GDĐT) về đánh giá việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành Y, Dược có việc làm cao nhất, lên tới 96,3%.
Con số này không bất ngờ khi nhu cầu nhân lực cho ngành Y tế luôn rất cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến như hiện nay.
Đây cũng là nhận định của PGS.TS Phạm Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo vị này, bên cạnh các bệnh nhiễm trùng, tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, sức khỏe tâm thần…. đang gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi nhu cầu nhân lực của ngành Y tế phải tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Với việc nhiều trường trong khối ngành sức khỏe mở thêm nhiều mã ngành và chỉ tiêu xét tuyển tăng hơn so với năm ngoái, thí sinh năm nay có thêm cơ hội để theo đuổi ước mơ nghề y dược của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, bên cạnh mức độ cạnh tranh của ngành này luôn ở mức cao, thí sinh cần lượng sức mình, đăng ký trường, ngành học phù hợp với năng lực học tập thì điều kiện tài chính của gia đình cũng là một yếu tố cân nhắc khi đăng ký xét tuyển.
Bởi trong xu thế tự chủ của các trường ĐH, việc tăng học phí theo lộ trình hàng năm đã được các trường thông báo công khai trong đề án tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý bởi so với nhiều ngành học khác, yêu cầu về thực tập, thực hành, trang thiết bị y tế cần sử dụng… của mỗi sinh viên khá nhiều nên học phí vì thế cũng là một con số cần quan tâm.
Theo TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, ngành y là ngành đặc thù với điểm số trúng tuyển cao, thời gian học dài và vất vả khi sinh viên phải trực tiếp học lâm sàng. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, công việc của lực lượng y tế rất vất vả, ngày đêm chống dịch, thậm chí phải hy sinh nhiều thời gian ở bên gia đình, người thân, ai cũng thấu hiểu nên nếu lựa chọn ngành học này cần phải xác định rõ những khó khăn, thách thức phải đối mặt.
Cùng với sư phạm, khoa học sức khỏe là 1 trong 2 nhóm ngành bắt buộc phải có điểm sàn theo quy định của Bộ GDĐT. Năm 2022, Bộ GDĐT chưa có quy chế chính thức nhưng theo thông tin đã công bố, việc tuyển sinh năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Theo đó, thí sinh khi xét tuyển vào các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cần đạt tiêu chuẩn về học lực. Ngoài điểm sàn chung của Bộ GDĐT, nhiều trường có những quy định riêng, thí sinh cần lưu ý để tránh trượt ĐH oan như một số trường hợp không đủ điều kiện học bạ dù thừa điểm đỗ vào trường…