Tuyển sinh Đại học 2023: Rải nguyện vọng để không trắng tay?

Lâm An 20/07/2023 06:45

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng cũng như số lần thay đổi. Với việc có nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh cần lưu ý chiến lược sắp xếp hợp lý để trúng tuyển nguyện vọng yêu thích nhất.

Thí sinh tìm hiểu về các ngành nghề khi tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2023.

3 nhóm nguyện vọng ưu tiên

Theo quy chế của Bộ GDĐT, bắt đầu từ 10/7 đến trước 17 giờ ngày 30/7, thí sinh tiến hành đăng kí nguyện vọng ứng với ngành đào tạo của các trường đại học trên Cổng thông tin của Bộ. Cụ thể, các thí sinh đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp THPT và có tổng điểm xét tuyển đạt từ mức điểm sàn các trường công bố có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường bằng phương thức xét điểm thi. Tương tự, các phương thức khác như xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học bạ… các trường cũng đưa ra các ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển khác nhau đối với từng ngành, từng cơ sở đào tạo, thí sinh cần rà soát các tiêu chí để đăng ký.

Đơn cử, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2023 theo phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí cho các thành phần như sau: Điểm thi đánh giá năng lực - ĐH QG TPHCM: 630/1200 điểm; Điểm thi tốt nghiệp THPT: 18/30 điểm (tổng điểm 3 môn tính theo tổ hợp xét tuyển); Điểm kết quả học tập THPT (theo học bạ): 18/30 điểm (trung bình tổng điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 3 năm học 10, 11, 12). Như vậy, khi thí sinh thỏa mãn cả 3 tiêu chí trên có thể đăng ký xét tuyển vào tất cả các ngành của trường. Tuy nhiên, nhà trường cũng lưu ý đây là mức điểm tối thiểu đăng ký xét tuyển, không phải là điểm chuẩn trúng tuyển nên thí sinh vẫn cần có thêm các phương án khác để không rơi vào trường hợp “trắng tay” dù điểm thi không thấp.

Tương tự như năm 2022, năm nay các phương thức xét tuyển sẽ thực hiện cùng một lúc trên một hệ thống và thí sinh phải chọn theo thứ tự ưu tiên. Với nguyên tắc chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất, PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh, Trường ĐH Phenikaa lưu ý, các thí sinh khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng cần sắp xếp nguyện vọng yêu thích nhất lên trên, các nguyện vọng tiếp theo cũng theo thứ tự mong muốn.

Trong thực tế tuyển sinh, đã có những trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển cả nguyện vọng xếp số 2 và 3 nhưng sau đó lại muốn học ở nguyện vọng xếp số 3. Tuy nhiên, hệ thống chung của Bộ đã “chốt” nguyện vọng 2 nên lúc này không thể thay đổi. Vì vậy, để không “đỗ nhầm” vào trường mà bản thân thí sinh không thích nhất, nguyên tắc số 1 khi sắp xếp nguyện vọng vẫn là cân nhắc chuẩn xác thứ tự ưu tiên nguyện vọng mà thí sinh mong muốn. Sẽ không có điểm chuẩn khác biệt dù đó là nguyện vọng thứ 10 hay thứ 20, nên thí sinh chỉ cần quan tâm sắp xếp theo sự yêu thích, mong muốn của bản thân.

Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Về nguyên tắc chọn ngành chọn trường, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý, thí sinh nên chia làm 3 nhóm: nguyện vọng ưu tiên cao nhất; nguyện vọng vừa sức với mình; nguyện vọng dưới năng lực cá nhân một chút (đề phòng rủi ro). Dẫu không bị giới hạn nguyện vọng lẫn số lần thay đổi là điều có lợi cho các thí sinh, nhưng chuyên gia này cũng nhấn mạnh thí sinh cần cẩn trọng và không nên lạm dụng đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, đến thời điểm này các thí sinh đã có đầy đủ dữ liệu, căn cứ như điểm thi, các phương thức để đăng ký trên hệ thống lọc ảo chung của Bộ GDĐT. Vì thế, các em hãy đọc kỹ các chương trình đào tạo, mã xét tuyển các trường đã công khai. Các em có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển. Bên cạnh đó nên tìm hiểu thị trường lao động của địa phương và trên cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế, để đưa ra lựa chọn.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT khuyên thí sinh không nên tập trung tất cả các nguyện vọng của mình chỉ vào trường “top” đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường này và còn không đỗ cả những trường khác. Các em phải có chiến lược, chiến thuật để rải nguyện vọng, nên chọn nhiều trường khác nhau ở những ngành mình yêu thích.

Các chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh thí sinh không nên đặt nguyện vọng quá sớm hoặc quá muộn để tránh việc bị động khi điều chỉnh nguyện vọng vào những mốc thời gian cao điểm và nên chủ động có phương án dự phòng. Với những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức tuyển sớm ở một số trường, chuyên gia khuyến cáo nếu thực sự mong muốn học ngành đã đậu và không có nguyện vọng nào cao hơn, cần đặt ngành học này ở nguyện vọng số ưu tiên số 1, để chắc suất đậu đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh Đại học 2023: Rải nguyện vọng để không trắng tay?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO