Giáo dục

Tuyển sinh Đại Học 2024: Thêm nhiều lựa chọn mới

Hàn Minh 21/02/2024 12:30

Năm 2024, một số trường ĐH công bố dự kiến tuyển sinh các ngành, chương trình đào tạo mới khác với nhóm ngành truyền thống, mở rộng lĩnh vực đào tạo.

anhbaiduoi(4).jpg
Học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (quận Gia Lâm, Hà Nội) tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2024. Ảnh: Ánh Dương.

Đua nhau mở ngành mới

Cụ thể, Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM mở 2 ngành mới là Công nghệ nghệ thuật, Điều khiển thông minh và tự động hóa.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng với 50 chỉ tiêu.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) mở 6 ngành mới là Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm và 3 ngành mới là Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức.

Năm 2024, Trường ĐH Ngoại thương, một trường ĐH tốp đầu cả nước về khối ngành kinh tế dự kiến tuyển sinh thêm các ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh.

Việc các trường ĐH đua nhau mở ngành mới không nằm ngoài dự đoán bởi theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Khi các trường đáp ứng được các yêu cầu về mở ngành theo quy định hoàn toàn có thể mở thêm các ngành mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Vấn đề đặt ra đối với người học đó là giữa vô vàn ngành học như vậy, đâu mới là ngành học phù hợp và có tiềm năng phát triển, có cơ hội thăng tiến sau này? Nhất là đối với những ngành mới mở chưa có số liệu về thị trường việc làm, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm… khiến người học càng băn khoăn có nên chạy theo những ngành hot này hay không.

Cẩn trọng chọn ngành, chọn trường

Nguyễn Văn Sang - thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải năm 2023 cho biết em chọn học ngành Công nghệ thông tin vì có niềm đam mê với công nghệ, say mê xây dựng các giải pháp sáng tạo. Khi đã xác định được con đường mình muốn đi, Sang phấn đấu hết sức để đạt kết quả tốt nhất, cả trong quá trình học tập và làm việc sau này bởi việc học còn giúp mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và phát triển cá nhân.

Trong khi đó, Hà Huy Công, lớp K70 Chất lượng cao, khoa Sinh học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại gây ấn tượng với lựa chọn “ngược dòng” của mình. Công từng đạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học khi còn là học sinh THPT. Trong khi những bạn khác cùng đội tuyển với Công đều chọn học ngành Y thì em lại chọn theo Sư phạm. Lý do là vì em yêu thích nghề giáo từ nhỏ và muốn được truyền tình yêu với môn học này tới thế hệ sau như những người thầy, cô giáo tâm huyết đã từng khơi dậy tình yêu với môn học này, dìu dắt Công học tốt và thêm yêu môn Sinh học. Vì được đào tạo đúng sở trường, đam mê cộng thêm những nỗ lực khiến Công đạt được thành tích xuất sắc khi trở thành một trong những sinh viên hiếm hoi tốt nghiệp sớm trong 3,5 năm với thành tích điểm GPA tuyệt đối 4.0.

Hiểu mình, lựa chọn đúng nghề nghiệp để phát huy thế mạnh của bản thân là những gì mà các chuyên gia tuyển sinh, thầy cô giáo… nhấn mạnh khi tư vấn chọn ngành, chọn nghề cho học sinh phổ thông. Không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp ĐH, đi làm rồi mới nhận ra mình không phù hợp với công việc này, nhưng lúc đó đã tốn mất 4 - 5 năm tuổi trẻ, chưa kể công sức, tiền bạc… Theo ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GDĐT Hà Nội), trong quá trình chọn nghề, chọn trường, các em phải tỉnh táo để có quyết định phù hợp với bản thân. Ví dụ, cùng muốn làm một công việc nhưng học tốt có thể thi vào trường tốp đầu, trình độ chưa tốt thì thi vào cùng khoa đó nhưng của trường tốp sau. Khi vào trường ĐH, cao đẳng và nỗ lực vươn lên, học sinh này có thể không thua kém các bạn học giỏi mà ít kỹ năng thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh Đại Học 2024: Thêm nhiều lựa chọn mới