Nhiều trường đại học bước đầu công bố phương án tuyển sinh đại học dự kiến từ năm 2025 với một số thay đổi.
Không phụ thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chiều 29/11 với hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn.
Đối với các trường đại học, thông tin này về cơ bản không gây xáo trộn nhiều đến kế hoạch tuyển sinh bởi nhìn chung, hầu hết các trường có nhiều hơn một phương án tuyển sinh đại học dựa vào kết qua thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Quốc gia TPHCM đang dành khoảng 40 - 50% chỉ tiêu mỗi trường thành viên cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Tỷ trọng này tăng dần qua từng năm trong khi sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh có xu hướng giảm.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đang có 5 phương thức tuyển sinh cho hơn 5.000 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí chiếm tỷ trọng lớn nhất (60 - 90% tổng chỉ tiêu). Phương thức này kết hợp các tiêu chí: Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM hoặc Đại học Quốc gia Hà Nội (trọng số 75%), kỳ thi tốt nghiệp THPT (trọng số 20%), quá trình học tập THPT (trọng số 5%) và các tiêu chí khác như thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ…
Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đang đề xuất phương án từ năm 2025 giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng… PGS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin, dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường.
Mùa tuyển sinh 2023 có khoảng 11 kỳ thi tuyển sinh riêng xét tuyển đại học. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong những năm tới khi khối ngành sức khỏe cũng đã bàn luận về việc tổ chức một kỳ thi riêng để làm căn cứ xét tuyển. Dẫu vậy, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, kỳ thi riêng có thể diễn ra hay không phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các trường.
Mong sớm công bố phương án
Thực tế cho thấy, hiện nay, có trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp, thậm chí tại nhiều địa phương lên tới 100%. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn mang nhiều ý nghĩa trong việc xét tuyển đại học.
Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình nhận định trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, việc các trường đưa ra nhiều hình thức để xét tuyển là phù hợp. Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng, kết hợp với các tiêu chí khác như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, phỏng vấn… để tuyển sinh phù hợp với định hướng đào tạo.
PGS.TSKH Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng hiện nay các trường đại học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhưng trong các tổ hợp môn tuyển sinh không có môn Tin học và môn Công nghệ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây cũng không có các môn này. Từ năm 2025, với phương án học sinh được tự chọn một số môn thi ngoài các môn thi bắt buộc, có thể các môn này sẽ lần đầu xuất hiện trong kỳ thi THPT và được sử dụng để xét tuyển vào đại học.
“Vấn đề là các trường đại học cần sớm công bố các tổ hợp môn xét tuyển sinh cho các ngành đào tạo”- ông Đàm nói.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 có hơn 20 phương thức tuyển sinh đại học. Việc tuyển sinh của các trường giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều được dự đoán trước nên thí sinh quan tâm tới lĩnh vực nào, trường nào cần theo dõi sát sao đề án tuyển sinh, thông tin của nhà trường để sớm có sự chuẩn bị.
Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó, thí sinh phải thi hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán.
Thí sinh chọn 2 môn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2025 – 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Sau năm 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức kỳ thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
A.Minh