Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2025: Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển học bạ

Nguyễn Hoài 29/10/2024 15:55

Mùa tuyển sinh 2025, một số trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, thậm chí bỏ hẳn phương thức xét tuyển này trong đề án tuyển sinh.

Dự kiến thay đổi trong tuyển sinh

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều điểm mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kỳ thi sẽ còn 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc; Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Số môn thi giảm đi, dự kiến các tổ hợp xét tuyển trong tuyển sinh đại học cũng có thay đổi, xuất hiện các tổ hợp mới. Vì vậy, phương án tuyển sinh của các trường đại học đang là mối quan tâm lớn của học sinh lớp 12 và phụ huynh.

Sáng 26/8, hàng nghìn tân sinh viên và phụ huynh đến nhập học tại Trường Đại học Phenikaa.
Sinh viên và phụ huynh làm thủ tục nhập học năm 2024 tại Trường Đại học Phenikaa.

Sau khi Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, một số trường đại học dự kiến thay đổi phương án tuyển sinh. Trong đó, một số trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, thậm chí bỏ hẳn phương thức xét tuyển này trong đề án tuyển sinh.

Mới đây, Trường Đại học Công thương TPHCM thông tin dự kiến năm 2025, trường sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức xét điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống chỉ còn 15-20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Trường cũng xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 50-60% tổng chỉ tiêu, tương đương với năm 2024. Bên cạnh đó, trường xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM và đây là năm đầu tiên trường này sẽ xét tuyển theo điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Lý giải về việc giảm chỉ tiêu phương thức xét điểm học bạ, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết, điểm học bạ của các trường cấp 3 công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào.

Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục bỏ phương thức xét tuyển học bạ và dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 .

Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, giảm thêm 3% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 18% năm 2024 xuống còn 15% năm 2025.

Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã không còn xét tuyển bằng học bạ. Lý giải về việc bỏ phương thức xét học bạ, đại diện nhà trường cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có lực rất giỏi, gần như đều đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế... Việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh.

Nên bỏ phương thức xét học bạ?

Trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, phương thức xét tuyển bằng học bạ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trước thực trạng điểm xét tuyển đại học theo kết quả điểm học bạ không ngừng tăng, thậm chí nhiều ngành thí sinh tổng kết 9-9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ.

Tại hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đã đề xuất Bộ GDĐT xem xét yêu cầu các trường đại học giảm xét tuyển bằng học bạ, tăng kết quả xét thi tốt nghiệp THPT. Còn PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất bỏ phương thức tuyển sinh sớm khi học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

Lo ngại làm đẹp học bạ bậc THPT là một trong số lý do khiến phương thức xét tuyển này gây tranh cãi. Về lo ngại này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc gian lận, mua điểm, làm đẹp học bạ là khó tránh, nhất là khi kết quả học bạ được sử dụng có động cơ là xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển đầu vào đại học thì sự liêm chính sẽ dễ bị xem nhẹ.

Để tránh tình trạng gian lận điểm học bạ, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, ở bậc phổ thông cần áp dụng quản lý bằng học bạ điện tử. Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cần sớm được thông qua để nâng cao trách nhiệm, ý thức nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2025: Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển học bạ