Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2025: Kỳ vọng nâng 'chất' đầu vào

Vi Cầm 14/04/2025 07:05

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho thấy, kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố thấp hơn năm 2024 ở hầu hết các môn.

bai chinh
Học sinh kiểm tra thông tin trước khi tham gia khảo sát chất lượng lớp 12 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều nguyên nhân

Khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố vừa qua thực chất là một cách đánh giá chất lượng dạy và học. Kỳ khảo sát này được tổ chức như một kỳ thi thử tốt nghiệp THPT với cấu trúc, định dạng đề thi tương tự đề minh họa của Bộ GDĐT. Mỗi thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng nông nghiệp, Công nghệ định hướng công nghiệp và Ngoại ngữ. Ngoại trừ 3 môn thi mới và môn Tiếng Anh, các môn còn lại đều có điểm trung bình thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Hà Nội từ 0,47 đến 2,14 điểm. Đáng chú ý, Toán là môn có tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất, chiếm 51,69%. Môn giảm điểm ít nhất là Lịch sử, trong khi Ngữ văn là môn có mức giảm mạnh nhất.

Một trong số những nguyên nhân được chỉ ra là do đề Ngữ văn sử dụng hoàn toàn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến điểm thi môn này giảm mạnh. Với học sinh và phụ huynh, một số người có tâm lý hoang mang, lo lắng khi các em cảm thấy thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ thầy cô giáo, nhà trường và nhất là bản thân chưa quen với phương pháp tự học thêm theo tinh thần Thông tư 29.

Thực tế cho thấy, học sinh có học lực trung bình khá trở xuống vốn chưa có sự chủ động, tự giác và kỹ năng tự học. Trước đây, nhóm này thường được giáo viên kèm cặp kỹ lưỡng, thậm chí tăng số buổi học phụ đạo để cải thiện kết quả trong giai đoạn nước rút. Hiện thực hiện quy định của Bộ GDĐT, các trường chỉ được tổ chức học thêm tối đa 2 tiết/tuần/môn học. Khi thời lượng học thêm giảm đáng kể, trong khi học sinh chưa tự nâng cao thời gian tự học, việc kết quả thi không đạt kỳ vọng là điều tất yếu.

Hội nghị câu lạc bộ quản lý các trường THPT tư thục tại Hà Nội lần thứ nhất – 2025 diễn ra cuối tuần qua đã nhận định, kết quả khảo sát cho thấy trình độ học sinh giữa các trường THPT tư thục chưa đồng đều; tâm lý học tập chưa ổn định, phụ thuộc đáng kể vào điều kiện gia đình và sự quan tâm của phụ huynh; nhiều học sinh có xu hướng tập trung vào các môn học lựa chọn theo nguyện vọng cá nhân, dẫn đến sự chênh lệch giữa các môn.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nguyên nhân khiến kết quả khảo sát chưa như mong muốn đó là việc học sinh lớp 12 học 3 năm cấp THPT theo chương trình GDPT 2018, nhưng ở tiểu học và THCS vẫn học Chương trình GDPT 2006. Như vậy, các em học chương trình mới cùng với sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá với cách học cũ, tư duy cũ nên còn những hạn chế trước yêu cầu đánh giá năng lực.

Phản ánh thực chất dạy - học

Ở góc độ chuyên gia, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kết quả thi khảo sát của Hà Nội phản ánh đúng thực trạng dạy và học.

Cùng đó, kết quả nói trên cũng đã khẳng định rõ ràng là cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được Bộ GDĐT điều chỉnh và có sự phân hóa rất tốt hơn. Bên cạnh những câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án đã có các dạng câu hỏi mới như trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn với cách tính điểm khác. Khi Bộ GDĐT công bố đề tham khảo thì kết quả này cũng không ngoài dự đoán.

Ông Đức nhấn mạnh, kết quả thi cho thấy sự phân hóa ở kỳ thi đã đạt yêu cầu rất tốt, phản ánh đúng thực chất và chúng ta phải học thật, nhân tài thật và như thế sẽ tạo nên sự đổi mới rất mạnh mẽ giáo dục trong năm tới. Kết quả như vậy không có gì đáng ngạc nhiên và là một tín hiệu rất đáng mừng để chúng ta nhìn vào thực chất. Qua đó cũng cho thấy phải xem lại việc tổ chức dạy học theo chương trình mới.

Liên quan đến việc tuyển sinh ĐH - nhìn từ kết quả khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 tại Hà Nội, GS Nguyễn Đình Đức cho hay, khi không còn hiện tượng mưa điểm 9, 10, sẽ đáp ứng được mục tiêu phân hóa để xét tuyển ĐH. Cụ thể, hiện Bộ GDĐT quy định phải quy đổi điểm các phương thức xét tuyển khác, các kỳ thi như SAT, thi đánh giá năng lực cùng thang điểm với thi tốt nghiệp THPT - trong khi đây là những kỳ thi khó hơn nhiều, điều này khiến các cơ sở tuyển sinh rất băn khoăn. Nhưng vừa rồi, với sự phân hóa tốt như kỳ thi khảo sát của Hà Nội các trường ĐH cũng có thể yên tâm hơn để xét tuyển và đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh giữa các phương thức xét tuyển.

Nhiều giáo viên có chung dự đoán, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Do đó, thí sinh xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp ít nhiều sẽ có bất lợi. Những thí sinh nào đã sớm có sự chuẩn bị, có các chứng chỉ quốc tế hoặc có kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ có lợi thế hơn trong xét tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2025: Kỳ vọng nâng 'chất' đầu vào