Giáo dục

Tuyển sinh đại học: Cần điều chỉnh tổ hợp môn thi đánh giá năng lực từ năm 2025

Nguyễn Hoài 30/11/2023 12:43

Chuyên gia cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học cần có sự điều chỉnh phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Khởi động các kỳ thi riêng

Tới thời điểm này, một số trường đại học lớn đã công bố phương án tổ chức kỳ thi riêng năm 2024. Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ khởi động đợt thi đầu tiên vào ngày 2-3/12 tới đây.

Năm đợt thi còn lại sẽ được tổ chức trong năm 2024. Cụ thể, đợt 2: ngày 20-21/1/2024; đợt 3: ngày 9-10/3/2024; đợt 4: ngày 27-28/4/2024; đợt 5: ngày 8-9/6/2024; đợt 6: ngày 15-16/6/2024.

Thí sinh tham gia kỳ thi này sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi với thời hạn 2 năm và có thể sử dụng điểm số kỳ thi này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả.

W_z4467661880615_63a7c8165b1db4d9d1371ed218adbe0e.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm 2024 là năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh. Mỗi năm, chỉ tiêu của phương thức này chiếm 50-60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội và có xu hướng tăng dần. Trong năm 2023 có 32 trường đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh.

Đại học Quốc gia TPHCM đã có thông tin về lịch thi đánh giá năng lực năm 2024. Theo đó, trường sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 tổ chức vào ngày 2/6/2024.

Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023, dự kiến sẽ bổ sung hai điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia TPHCM cũng có định hướng tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2025, đồng thời cấu trúc đề thi sẽ có điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thành 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô dự tính khoảng 75 nghìn lượt thi.

Dự kiến, đợt thi sớm nhất diễn ra vào các ngày 23, 24/3; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào các ngày 1, 2/6. Thí sinh đăng ký dự thi từ 18/2/2024.

Theo kế hoạch, kỳ thi dự kiến tổ chức tại 10 tỉnh/thành phố, tăng 3 điểm so với năm ngoái, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tổ hợp môn đánh giá năng lực có còn phù hợp?

Bộ GDĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, thí sinh thi tốt nghiệp 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lí , Lịch sử, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

W_398326636_1094791685022141_2748306741407168461_n.jpg
NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm trao đổi với phóng viên.

Ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, hiện nhiều trường đại học cũng dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường kể trên.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Tin học 2018 cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có sự điều chỉnh về môn thi để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Điểm mới của phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là lần đầu tiên 2 môn Tin học và Công nghệ là 2 môn lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Điểm mới này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường hiện chỉ đánh giá năng lực, tư duy của học sinh ở các môn học như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục nhưng không có môn Tin học tham gia trong cấu trúc bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường.

Mặt khác, mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển cho học sinh 5 phẩm chất, 3 năng lực chung và 10 năng lực đặc thù môn học, trong đó có năng lực Tin học.

Như vậy, theo PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, tổ hợp môn đánh giá năng lực tuyển sinh đại học hiện nay đang dựa trên tổ hợp môn thi tốt nghiệp hiện hành, sẽ không còn phù hợp từ năm 2025.

Do đó, việc cập nhật, điều chỉnh cần thực hiện sớm, bám sát sự đổi mới căn bản và toàn diện của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và phương án thi tốt nghiệp do Bộ GDĐT vừa công bố.

“Lâu nay mỗi năm có hàng trăm ngành nghệ đào tạo ở các trường đại học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kĩ thuật, Công nghệ có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhưng trong bài thi riêng của các trường không có môn Tin học và môn Công nghệ tham gia. Đó là một bất cập lớn mà các trường cần có sự điều chỉnh cho phù hợp”, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học: Cần điều chỉnh tổ hợp môn thi đánh giá năng lực từ năm 2025