Trong khi nhiều người trẻ thích những ngành mới như công nghệ thông tin, sáng tạo nghệ thuật… thì phụ huynh lại lo ngại và mong muốn con đi theo các ngành truyền thống, có tính ổn định cao. Hiểu mình, hiểu nghề để lựa chọn đúng là bài toán đặt ra mỗi mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng.
Không biết mình thích hợp với nghề gì
Đây là chia sẻ của em Phạm Thanh Nga (học sinh lớp 12 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 cũng là băn khoăn của nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT. Nga cho biết em học khá khối D và dự định sẽ xét tuyển ĐH bằng tổ hợp này. Em thích học du lịch để được đi đây đi đó, khám phá giới hạn của bản thân nhưng gia đình lại mong muốn em làm giáo viên, cuộc sống sau này sẽ ổn định và cũng phù hợp với tính cách có phần hướng nội của em.
Câu chuyện này đang phổ biến tại nhiều gia đình hiện nay khi suy nghĩ của bố mẹ và con cái không giống nhau. Thậm chí ngay cả bố mẹ cũng không cùng quan điểm trong việc tư vấn, định hướng cho con tiếp theo sẽ lựa chọn hướng đi nào.
Qua giảng dạy và tiếp xúc với nhiều sinh viên, TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô cho rằng, hiện nay nhiều thí sinh lớp 12 có xu hướng chọn nghề chủ yếu theo sở thích cá nhân mà chưa chọn nghề theo năng lực hoặc theo học lực của các em. Chính vì vậy, các em chưa hiểu sâu về các ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn, sẽ làm ở đâu và làm gì.
“Các trường ĐH đã có nhiều hình thức tư vấn cho các em như tổ chức hoặc tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp, đón học sinh đến trường tham quan, học hỏi. Ngay tại chính trường phổ thông các em đang theo học, các thầy cô cũng đã và đang tư vấn cho học sinh của mình nhưng nhiều em vẫn chưa xác định được rõ ràng là mình nên chọn ngành gì, học trường nào nên đến lúc đăng ký nguyện vọng đưa ra những quyết định thiếu chín chắn” – bà Vân nói.
Ghi nhận thực tế mùa tuyển sinh nào cũng có những thí sinh chọn nhầm ngành đào tạo để rồi khi đỗ vào trường ĐH lại thất vọng với ngành học, chán nản thậm chí bỏ học giữa chừng. Nhiều trường đưa ra con số thống kê 5-10% sinh viên năm thứ nhất bỏ học vì nhiều lý do, trong đó có chọn nhầm ngành học cho thấy cần đẩy mạnh việc tư vấn cho học sinh, phối hợp cùng gia đình để định hướng đúng đắn cho thí sinh. Bởi là giáo viên trực tiếp dạy các em, thầy cô sẽ biết được thực lực học sinh của mình ra sao, cũng như kinh nghiệm nhiều năm để tư vấn chính xác hướng đi cho học sinh.
Hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với việc tự chọn một số môn học ở cấp THPT chính là cơ hội để phụ huynh và học sinh nhìn thấy rõ sự phù hợp của mình với từng lĩnh vực cụ thể. Tương tự như vậy, định hướng ngành nghề cho học sinh cần phải được triển khai từ rất sớm thay vì đến gần sát thời điểm đăng ký nguyện vọng mới suy nghĩ rồi thay đổi, không chắc chắn.
Cẩn trọng với tư vấn online
Hàng năm, một số trường ĐH có thêm những ngành học mới và được giới thiệu với nhiều ưu điểm hấp dẫn người học về cơ hội việc làm sau khi ra trường, mức lương hứa hẹn… Trong đó có những ngành hoàn toàn mới, chưa từng được đào tạo ở Việt Nam khiến các bậc phụ huynh vô cùng băn khoăn. Vì chưa từng có tiền lệ trước đó nên khó nói rằng sau 4, 5 năm nữa, ngành học này thực sự có “hot” như quảng cáo của các trường hay không? Sinh viên học xong liệu có thất nghiệp vì công việc mới quá, không phải công ty nào cũng có nhu cầu tuyển dụng vị trí này? Hàng loạt lo ngại đối với các ngành học mới hoặc các ngành học hot được phụ huynh phân tích trong khi người trẻ với tâm lý thích cái mới lạ lại dễ dàng bị cuốn hút bởi những thử thách mới.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS Hoàng Thanh Tú - Phó trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, tất cả các ngành nghề các trường ĐH đang tuyển sinh đều đang có nhu cầu và đều theo xu hướng của thị trường lao động. Dù là ngành mới mở hay các ngành truyền thống thì cơ hội việc làm sau khi ra trường đều rộng mở với những sinh viên giỏi kiến thức, kỹ năng tốt và thái độ cầu tiến.
“Điều quan trọng nhất bây giờ là các em yêu thích ngành nào, thấy mình phù hợp và có sở trường ở lĩnh vực nào. Ngay thời điểm này các em nên tận dụng thời gian ít ỏi tiếp cận các ngành học để hiểu rõ sở thích, ước mơ của mình, từ đó có được lựa chọn và kết quả đúng đắn" - ThS Tú chia sẻ.
Một vấn đề quan trọng đó là quyết định chọn ngành nghề cần dựa trên những dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực được cung cấp bởi các cơ quan chức năng, các tổ chức uy tín. Tuyệt đối không chọn nghề vì những lời tư vấn online không có cơ sở như danh sách các “ngành vô dụng nhất” do một số cá nhân đưa ra tràn man trên mạng xã hội.